Hệ quả từ khủng hoảng năng lượng đã gây hệ lụy kinh tế lâu dài đối với nền kinh tế thế giới.i
Hệ quả từ khủng hoảng năng lượng đã gây hệ lụy kinh tế lâu dài đối với nền kinh tế thế giới

Cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đã nếm trải trong hơn một năm vừa qua đang gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế. Tuy chưa thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của cú sốc năng lượng này, nhưng ít nhất có thể nhận thấy, một số tác động rõ nét thể hiện ở 5 trục chính:

Trục thứ nhất, điều nhận thấy rõ ràng nhất, đó là khủng hoảng năng lượng đang làm kiệt quệ sức mua của nền kinh tế. Nguyên nhân của sự suy giảm sức mua này là do việc tăng giá nhập khẩu và quá trình sản xuất. Hiện tại, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp đã giảm với mức suy giảm có thể so sánh với mức được ghi nhận vào năm 1979 sau cú sốc dầu mỏ lần thứ hai – sức mua giảm thể hiện rõ nét và đồng đều đối với các tác nhân kinh tế, từ hộ gia đình, nhà sản xuất, đến cơ quan quản lý nhà nước.

Trục thứ hai, trái ngược với cú sốc năng lượng làm tăng giá dầu tương đối đồng đều trên thế giới, cú sốc khí đốt chủ yếu ảnh hưởng đến châu Âu. So với mức giá trung bình vào năm 2019, giá thị trường của khí đốt trong tháng 9/2022 đã tăng 14 lần ở châu Âu, 8 lần ở châu Á và 3 lần ở Mỹ. Như vậy, giá khí đốt ở châu Âu hiện cao gấp bảy lần so với Mỹ. Một yếu điểm lớn và mới về khả năng cạnh tranh đã xuất hiện khi khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phải đối mặt với việc đồng tiền chung giảm giá so với USD. Đối với các hộ gia đình ở châu Âu, khủng hoảng năng lượng đã là thực tế quá rõ nét, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % cho đến cả vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện… Tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ – Ofgem cho biết, kể từ ngày 1/10 đã tăng trần giá điện và khí đốt lên từ 80-100%, khiến mỗi hộ gia đình trung bình tại Anh sẽ phải chi gần 4.200 USD mỗi năm cho tiền năng lượng, do đó dự kiến lạm phát sẽ lên tới 13%, trong khi với Eeurozone, con số này đã dao động quanh mức 10%.

Trục thứ ba, việc tăng giá năng lượng đã đủ để khiến một số lĩnh vực nhất định có kết quả hoạt động tiêu cực, như: Hàng loạt nhà máy thép và nhôm ở khu vực châu Âu phải đóng cửa; ngành công nghiệp thời trang châu Âu cũng đang trở thành “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng năng lượng… Mức giá mà các nhà sản xuất phải trả vào năm 2022 chủ yếu được xác định theo hợp đồng trước khi giá thị trường tăng vọt. Điều này sẽ gần như không còn từ năm 2023, với các đàm phán giá trên cơ sở giá thị trường cho năm 2022 hoặc những giá dự kiến ở mức cao trong dài hạn. Nền kinh tế sẽ tái lập sự phát triển theo hướng tiêu cực đã từng xảy ra trong quá khứ: Các cú sốc về giá năng lượng sẽ kéo theo sự suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, biểu hiện ra bởi sự sụt giảm biên độ lợi nhuận hoạt động so với giá thành sản xuất. Việc châu Âu cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga để chuyển qua mua LNG của Mỹ, đồng nghĩa với việc châu Âu phải đi mua dầu mỏ với giá 500 USD/thùng. Với mức giá năng lượng nhập khẩu cao như thế, rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ. Mức giá năng lượng đó cũng khiến các công ty châu Âu giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hậu quả trước mắt là sản xuất sụt giảm, đình trệ, thất nghiệp gia tăng, còn về lâu dài thì sẽ là đánh mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là phá sản.

Trục thứ tư, liên quan đến vai trò của Liên minh châu Âu (EU). Phản ứng của các nước châu Âu cho thấy, còn thiếu sự phối hợp đồng bộ. Nếu EU thống nhất trong việc đưa ra các biện pháp cấm vận thì ngược lại, để giảm thiểu cú sốc năng lượng, mỗi nước lại áp dụng một biện pháp riêng, khiến khu vực này rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các nền kinh tế. Cụ thể: Do mức độ sử dụng các loại năng lượng có sự khác nhau giữa các nước trong khu vực EU, nên mối quan tâm đến các dạng năng lượng trong Liên minh cũng vì thế xuất hiện sự khác biệt và với lợi ích của từng quốc gia mà có những hành xử khác nhau. Ví như, với việc áp dụng lá chắn thuế quan rất sớm và được chiết khấu đáng kể đối với giá xăng dầu, tác động của việc giá năng lượng tăng đối với các hộ gia đình ở Pháp là ít hơn so với các hộ gia đình châu Âu. Hay, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của Đức cũng đặt ra câu hỏi về sự phối hợp ở châu Âu, vì hầu hết các quốc gia khác có thể sẽ không thể triển khai một kế hoạch có quy mô tương tự.

Trục thứ năm, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng tạo ra những rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Tổ chức nghiên cứu Coe-Rexecode (Pháp) đã ước tính rằng, để thiết lập lộ trình đạt được trung hòa carbon, EU sẽ phải thực hiện các khoản đầu tư bổ sung tương đương khoảng từ 58 đến 80 tỷ euro mỗi năm từ nay đến năm 2030, bên cạnh những nỗ lực “thông thường” hàng năm, tức là tăng khoảng 20% đầu tư của các hộ gia đình và khoảng 13% đầu tư của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, việc tăng cường huy động nguồn vốn của các bên liên quan cho chuyển đổi năng lượng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa và cũng không dễ dàng với tất cả các quốc gia thành viên EU./.

Linh Thanh