Từ khóa: phát triển vùng, phát triển bền vững, không gian phát triển

Summary

In the context of Vietnam’s increasingly integrated with the world and the country’s economy faces many new challenges, the role of sustainable regional development has become increasingly important, creating an important drive of economic development of the country. The article evaluates the current state of the country’s economic structure by territory in the period 2011-2020, the context for sustainable development of the region up to 2030 and proposing sustainable regional development orientations in the context of expanding new development space.

Keywords: regional development, sustainable development, development space

THỰC TRẠNG CƠ CẤU KINH TẾ THEO LÃNH THỔ CỦA ĐẤT NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2020

Cơ cấu kinh tế theo vùng

Năm 2020, Vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đóng góp 61,5% tổng GDP cả nước, trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm 32,1%, vùng ĐBSH 29,4%. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng của vùng Đông Nam Bộ trong cơ cấu kinh tế cả nước đã sụt giảm (từ mức 37,3% năm 2010), trong khi tỷ trọng của vùng ĐBSH tăng lên (từ mức 26,9% năm 2010).

Trong giai đoạn 2011-2020, các vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (BTBDHMT)có sự gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước, lần lượt từ 6,9% năm 2010 lên 8,5% năm 2020 và từ 13,1% năm 2010 lên 14,3% năm 2020. Tỷ trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm nhẹ (12% năm 2020 so với 12,4% năm 2010). Chiếm tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu kinh tế cả nước là vùng Tây Nguyên (3,6%) (Bảng).

Bảng: Cơ cấu GDP cả nước theo các vùng kinh tế – xã hội thời kỳ 2011-2020 (%)

TT

Vùng

2010

2015

2019

2020

1

TDMNPB

6,9

7,8

8,1

8,5

2

ĐBSH

26,9

27,7

28,8

29,4

3

BTBDHMT

13,1

14,2

14,6

14,3

4

Tây Nguyên

3,6

3,9

3,5

3,6

5

Đông Nam Bộ

37,3

34,3

32,9

32,1

6

ĐBSCL

12,4

12,2

12,0

12,0

Nguồn: Xử lý từ số liệu theo các địa phương của Tổng cục Thống kê (số GRDP đánh giá lại)

Về đóng góp của các vùng theo các khối ngành, ĐBSCL là vùng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước (chiếm 30,3% năm 2020). Xếp vị trí thứ hai là vùng BTBDHMT (21,5%). Về xu thế trong thời kỳ 2011-2020, đáng chú ý là việc giảm tỷ trọng của hai vùng “đồng bằng” trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước. Trong khi đó tỷ trọng của vùng TDMNPB đã tăng từ 11,7% năm 2010 lên 13,5% năm 2020 – tương đương với vùng ĐBSH. Tây Nguyên là vùng chiếm tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của cả nước.

Điểm đáng chú ý trong thay đổi cơ cấu lãnh thổ khu vực công nghiệp – xây dựng cả nước là sự giảm tỷ trọng của vùng Đông Nam Bộ và gia tăng tỷ trọng của hầu hết các vùng khác, đặc biệt là vùng ĐBSH. Sau 10 năm, tỷ trọng vùng Đông Nam Bộ trong cơ cấu khu vực công nghiệp – xây dựng cả nước đã giảm từ 51,9% xuống 36% (giảm 15,9 điểm %). Trong khi đó, vùng ĐBSH tăng 8,5 điểm %, vùng TDMNPB tăng 3,5 điểm %, vùng BTBDHMT tăng 3 điểm %, vùng ĐBSCL tăng 0,9 điểm %. Tỷ trọng vùng Tây Nguyên rất thấp (1,7%) và không có sự thay đổi.

Nếu xét riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ trọng của vùng Đông Nam Bộ trong cơ cấu cả nước cũng giảm từ 51,1% năm 2010 xuống còn 39,9% năm 2020, tương ứng với mức giảm 11,2 điểm %. Trong khi đó, vùng ĐBSH tăng 6,2 điểm %, vùng TDMNPB tăng 3,8 điểm %, vùng BTBDHMT tăng 1,5 điểm %. Tỷ trọng của hai vùng ĐBSCL và Tây Nguyên hầu như không thay đổi so với năm 2010. Tỷ trọng vùng Tây Nguyên rất thấp (0,8%) trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước.

Cơ cấu vùng của khu vực dịch vụ cả nước nhìn chung tương đối ổn định, sự thay đổi tỷ trọng của các vùng trong cơ cấu cả nước không lớn trong thời kỳ 2011-2020. Đông Nam Bộ (chiếm 33,7% năm 2020) và ĐBSH (chiếm 31% năm 2020) là 2 trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước, vượt trội so với các vùng khác. Tỷ trọng vùng xếp thứ ba là BTBDHMT chỉ bằng một nửa của vùng ĐBSH. Tiếp theo là vùng ĐBSCL, chiếm tỷ trọng 10,5% năm 2020. Vùng TDMNPB chỉ chiếm 7,2% khu vực dịch vụ cả nước, cao gấp đôi so với vùng Tây Nguyên (vùng TDMNPB gấp 2,1 lần về dân số và 1,7 lần về diện tích so với vùng Tây Nguyên).

Cơ cấu lãnh thổ theo địa phương của khu vực dịch vụ nhìn chung rất ổn định nếu so với 2 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp – xây dựng. Nhóm 15 địa phương đứng đầu trong xếp hạng về tỷ trọng trong cơ cấu lãnh thổ khu vực dịch vụ không có sự thay đổi về các tỉnh, thành phố góp mặt. Cụ thể bao gồm Hà Nội và các cụm tỉnh Hải Dương – Quảng Ninh – TP. Hải Phòng; cụm Thanh Hóa – Nghệ An; TP. Đà Nẵng; cụm Khánh Hòa – Đắk Lắk; cụm TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu; cụm TP. Cần Thơ – An Giang. Nhóm 15 địa phương này chiếm 68%-69% tổng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ cả nước qua các năm. Trong đó, hai trung tâm lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh (chiếm 26%-27%) và Hà Nội (chiếm 19%-21%).

Phân bố không gian tăng trưởng

Về đóng góp của các vùng vào tăng trưởng chung

Giai đoạn 2011-2015, Đông Nam Bộ là vùng có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của cả nước (35,4%), xếp thứ hai là vùng ĐBSH (28,9%). Các vùng BTBDHMT và ĐBSCL đóng góp khoảng 11%-14% vào tăng trưởng cả nước, trong khi đóng góp của vùng TDMNPB là 7,6%. Tây Nguyên là vùng có đóng góp rất thấp vào tăng trưởng cả nước, chỉ ở mức 3%.

Sang giai đoạn 2016-2020, mức đóng góp của ĐBSH tăng nhanh, đưa ĐBSH vượt Đông Nam Bộ trở thành vùng có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng cả nước trong giai đoạn 2016-2020 và cả thời kỳ 2011-2020. Cả hai vùng BTBDHMT và ĐBSCL đều giảm nhẹ mức đóng góp so với giai đoạn 2011-2015. Vùng TDMNPB tăng mức đóng góp tuy nhiên vẫn xếp thứ 5 trong số 6 vùng cả nước.

Về phân bố các trung tâm tăng trưởng và các địa bàn động lực

Nhìn chung cả thời kỳ 2011-2020, đa số các địa phương có tỷ trọng đóng góp khá thấp vào tăng trưởng cả nước. Giai đoạn 2011-2015, có 41 địa phương chỉ có mức đóng góp dưới 1% (tính theo mỗi địa phương) trong tổng kết quả tăng trưởng của cả nước giai đoạn 2011-2015; có 14 địa phương có mức đóng góp từ 1-2%. Như vậy, tổng 55/63 địa phương (chiếm 92,6% diện tích và 73,2% dân số cả nước năm 2010) đóng góp 44,7% vào tăng trưởng cả nước. Trong khi đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đóng góp tổng cộng 32,3% vào tăng trưởng của quốc gia (trong khi chiếm 1,6% về diện tích và 16,1% về dân số cả nước năm 2010). Địa phương có đóng góp cao thứ 3 là Bình Dương (6,7% vào tăng trưởng cả nước).

Phát triển bền vững vùng trong bối cảnh mở rộng không gian phát triển mới

Trong định hướng phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội sẽ trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới

Giai đoạn 2016-2020, tổng tỷ trọng đóng góp của các địa phương có mức đóng góp dưới 2% (tổng số 53/63 địa phương, không kể địa phương tăng trưởng âm) vào tăng trưởng đã chỉ còn 38,8%. TP. Hải Phòng đã gia nhập nhóm có đóng góp từ 5%-10% vào tăng trưởng cả nước cùng với Bình Dương, hai địa phương này đóng góp tổng cộng 13,1% vào tăng trưởng cả nước.

Như vậy, có thể thấy, động lực tăng trưởng ngày càng tập trung hơn vào các địa phương có mức đóng góp lớn.

Về các địa bàn tăng trưởng chủ yếu theo các ngành kinh tế

Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, vai trò của các địa bàn đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng không có sự chênh lệch lớn so với các địa bàn khác khi mà tất cả các tỉnh, thành phố đều chỉ có mức đóng góp vào tăng trưởng cả nước không cao hơn 5%, tính trong cả thời kỳ 2011-2020.

Trong khi đó, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vai trò các trung tâm tăng trưởng được thực hiện bởi nhiều tỉnh, thành phố tiếp giáp nhau, tạo thành các vùng tăng trưởng công nghiệp, phát triển có sự lan tỏa và kết nối, tập trung hầu hết tại hai khu vực động lực phía Bắc và phía Nam.

Đối với khu vực dịch vụ, vai trò của hai cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nhất, trong đó TP. Hồ Chí Minh đóng góp trên 30%, Hà Nội đóng góp trên 20% vào tăng trưởng khu vực dịch vụ cả nước trong cả thời kỳ 2011-2020. Địa phương xếp ở vị trí thứ ba có khoảng cách rất xa về mức đóng góp so với hai trung tâm này (là TP. Hải Phòng với mức đóng góp chưa tới 4%).

Đánh giá chung

Về kết quả đạt được

– Các vùng trên cả nước đều có bước phát triển tích cực. Nhiều địa phương đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều địa bàn khó khăn đã phát triển nhanh hơn nhờ đa dạng hóa hoạt động kinh tế và có điều kiện tốt hơn về kết nối giao thông với các trung tâm kinh tế lớn.

– Phát triển công nghiệp – xây dựng là động lực tăng trưởng chủ yếu của đa số các vùng trong giai đoạn vừa qua. Việc thu hút được các dự án đầu tư lớn có tác dụng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế các vùng và địa phương. Đã có những dự án đóng góp lớn vào xuất khẩu quốc gia, thúc đẩy phát triển mạng lưới doanh nghiệp địa phương và đưa Việt Nam hội nhập sâu vào mạng sản xuất toàn cầu.

– Các địa bàn động lực tăng trưởng chủ đạo của đất nước đã xác định khá rõ nét theo các cụm tỉnh phía Bắc (tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các tỉnh trong phạm vi ảnh hưởng) và phía Nam (tứ giác TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu). Hai cụm tỉnh, thành phố này có chung đặc điểm là: đều bao gồm 1 trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo; có cảng biển cửa ngõ quốc tế; là trung tâm dịch vụ lớn.

Các địa bàn tăng trưởng mới được hình thành chủ yếu trên cơ sở lan tỏa từ các cực tăng trưởng hiện hữu (tỉnh Bắc Giang gắn với Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và tỉnh Long An gắn với TP. Hồ Chí Minh).

– Vùng ĐBSH gia tăng nhanh chóng vị thế trong đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ của cả nước; qua đó vượt Đông Nam Bộ để trở thành vùng có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế cả nước giai đoạn 2016-2020.

– Vùng TDMNPB có tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng rất cao, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2016-2020, vùng TDMNPB đã vượt BTBDHMT và ĐBSCL để trở thành vùng có đóng góp lớn thứ ba vào tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước. Hai tỉnh của vùng (Thái Nguyên và Bắc Giang) đã cùng với một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSH tạo nên cụm động lực tăng trưởng phía Bắc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển dịch vụ của vùng chưa được khai thác đúng mức; sang đến giai đoạn 2016-2020, vùng TDMNPB vẫn chưa có tỉnh nào gia nhập vào nhóm 15 địa phương có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước.

Về tồn tại, hạn chế

– Vùng Đông Nam Bộ, trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, lại là vùng có tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2011-2020 của khu vực công nghiệp – xây dựng thấp nhất trong số các vùng; ngay cả khi xét riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (để loại trừ ảnh hưởng từ sự suy giảm của ngành khai khoáng), thì tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn hầu hết các vùng khác. Đóng góp của vùng Đông Nam Bộ vào tăng trưởng chung cả nước đã giảm từ 35,4% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 29,2% giai đoạn 2016-2020, đặc biệt đóng góp của vùng vào tăng trưởng khối ngành công nghiệp – xây dựng cả nước giảm rất mạnh từ 35,5% giai đoạn 2011-2015 xuống chỉ còn 22,9% giai đoạn 2016-2020. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do đầu tư kết cấu hạ tầng của vùng chưa được quan tâm tương xứng với mức độ đóng góp của Vùng. Tính đến năm 2020, toàn Vùng có 855 km quốc lộ, mật độ quốc lộ là 0,036 km/km2, thấp nhất cả nước; có 52 km đường cao tốc, mật độ đường cao tốc là 0,002 km/km2, thấp hơn nhiều mức trung bình cả nước.

– Tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đang gặp thách thức lớn khi mà tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016-2020 của tất cả các vùng đều thấp hơn tốc độ giai đoạn 2011-2015. Ngay cả nếu tính riêng giai đoạn 2016-2019 (loại trừ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), tốc độ tăng trưởng cũng thấp hơn giai đoạn 2011-2015. ĐBSCL – vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của cả nước lại có tốc độ tăng trưởng thấp thứ hai trong số 06 vùng kinh tế – xã hội, chỉ cao hơn vùng ĐBSH.

– Dải ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 14 tỉnh, thành phố với lợi thế về đường bờ biển dài, tiềm năng lớn cho du lịch, dịch vụ và có hệ thống khu kinh tế ven biển cho thu hút đầu tư. Tuy nhiên, vùng mới có duy nhất 01 tỉnh nằm trong nhóm địa phương “cực tăng trưởng” (có đóng góp từ 2% trở lên vào tăng trưởng quốc gia). Trong khu vực dịch vụ, số lượng các địa phương đóng góp lớn vào tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2016-2020 giảm so với giai đoạn 2011-2015 (giảm 2 địa phương).

BỐI CẢNH ĐẶT RA CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Về bối cảnh quốc tế

Trong trung và dài hạn, kinh tế thế giới sẽ được định hình theo các xu thế: giảm tốc tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn đầu do các nền kinh tế lớn chững lại và có thể sẽ lấy lại mức tăng trưởng cao hơn ở giai đoạn tiếp theo trước khi đi vào ổn định tăng trưởng (nếu không có những đột biến về tiến bộ khoa học và công nghệ) do tác động của những điều chỉnh quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa; già hóa dân số, đô thị hóa, trung lưu hóa và biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và khắc nghiệt hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc rất phức tạp, gay gắt; các xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố tác động đến kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều FTA thế hệ mới quy mô lớn như EVFTA, CPTPP… việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới từ CMCN 4.0 sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tận dụng được những cơ hội tích cực do các hiệp định này mang lại, tham gia hiệu quả hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong đó đặc biệt là nguy cơ tụt hậu nếu như các doanh nghiệp không thể hấp thu được công nghệ, hoặc bị ảnh hưởng từ hệ luỵ tiêu cực của CMCN 4.0 do lao động giá rẻ không còn là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như trước đây.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn cho phát triển bền vững, đòi hỏi phải có những điều chỉnh về mô hình tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế. Theo các dự báo của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) của Liên hợp quốc, các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ diễn ra nhiều hơn và nhanh hơn trong những năm sắp tới trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh của BĐKH toàn cầu trong 30 năm tới (đứng thứ 13 trong 16 nước) với hậu quả trực tiếp là tình trạng nước biển dâng nhấn chìm các vùng đất ven biển và xâm ngập mặn.

Về bối cảnh trong nước

Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới; tham gia các định chế tài chính quốc tế quan trọng; ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực.

Tuy nhiên, chênh lệch giàu – nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương có xu hướng gia tăng. Già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân từ nông thôn ra thành phố tiếp tục diễn ra tạo nên sức ép đối với hạ tầng đô thị. Phân hóa giàu nghèo có xu hướng doãng rộng hơn, đặc biệt giữa nhóm thu nhập thấp nhất và cao nhất. Các yếu tố an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, suy giảm hệ sinh thái… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống.

Về bối cảnh chính sách, trong các năm 2021-2023 vừa qua, các văn bản chính sách cấp cao nhất của quốc gia tác động đến phát triển vùng đã được ban hành và triển khai thực hiện.

Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030, xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Chiến lược cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Về định hướng chung cho phát triển vùng, Chiến lược xác định yêu cầu tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia đi đôi với xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết[1] về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho 6 vùng kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nghị quyết đã xác định vị trí, vai trò của mỗi vùng tổng thể cả nước và đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển chủ yếu của vùng.

Trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất, là cơ sở để lập các quy hoạch cấp quốc gia khác và các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn. Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2023 tại Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm mới nổi bật của Quy hoạch tổng thể quốc gia là quan điểm “Phát triển có trọng tâm, trọng điểm” và hệ thống các vùng động lực, hành lang kinh tế (HLKT). Theo đó, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi và có nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành vùng động lực, HLKT cho phát triển đi trước, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA QUỐC GIA ĐẶT RA CÁC YÊU CẦU VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG

Yêu cầu chung về phát triển bền vững vùng

– Tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm phát huy tốt nhất lợi thế so sánh, thế mạnh của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới và phù hợp với vị trí, vai trò từng vùng trong tổng thể quốc gia.

– Hoàn thiện bộ khung kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không trên địa bàn các vùng nhằm nâng cao khả năng kết nối nội vùng, liên vùng và kết nối khu vực, quốc tế, từ đó mở ra các không gian phát triển mới.

– Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế các vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế đặc thù tại mỗi vùng.

– Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng được xác định tại các vùng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Đồng thời có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội và từng bước phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

– Hình thành và phát triển các HLKT, vành đai kinh tế nhằm kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, qua đó nâng cao hiệu quả phát triển nhờ tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và mở rộng hội nhập quốc tế.

– Phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Gắn sự phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch với quá trình đô thị hóa. Phát triển hài hòa khu vực đô thị – nông thôn.

Định hướng phát triển các vùng kinh tế – xã hội

– Vùng TDMNPB: Nhấn mạnh yêu cầu phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản, mở rộng diện tích cây ăn quả, dược liệu. Phát triển kinh tế cửa khẩu. Hình thành các trung tâm du lịch, sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng.

– Vùng ĐBSH: Có vai trò định hướng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước; phát triển đi đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển vùng trở thành động lực phát triển hàng đầu của cả nước, tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn.

– Vùng BTBDHMT: Ưu tiên hàng đầu là phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp gắn với phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, năng lượng tái tạo và xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – lịch sử. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, các trung tâm dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

– Vùng Tây Nguyên: Tập trung vào yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả với quy mô phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp, mở rộng diện tích cây ăn quả, dược liệu, rau, hoa. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xit, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

– Vùng Đông Nam Bộ: Có vai trò đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Phát triển các khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung quy mô lớn. Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, các dịch vụ ngành dầu khí, phát triển du lịch biển. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung gắn với chế biến và thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp văn hóa, các trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng.

– Vùng ĐBSCL: Phát triển vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng giảm lúa gạo, tăng trái cây và thủy sản; sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, hiệu quả hơn. Xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia về nông nghiệp trên địa bàn vùng. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Mở rộng không gian phát triển mới gắn với các vùng động lực, HLKT

Thực hiện quan điểm “phát triển có trọng tâm, trọng điểm”, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định hệ thống các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia để tập trung đầu tư cho phát triển đi trước, dẫn dắt tăng trưởng của cả nước, được phân bố tại 04/06 vùng kinh tế – xã hội như sau:

– Tại vùng ĐBSH có vùng động lực phía Bắc, phạm vi bao gồm Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó Hà Nội là cực tăng trưởng.

– Tại vùng BTBDHMT có vùng động lực miền Trung, bao gồm khu vực ven biển (các địa bàn cấp huyện từ đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đến biển) thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó TP. Đà Nẵng là cực tăng trưởng.

– Tại vùng Đông Nam Bộ có vùng động lực phía Nam, phạm vi bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng;

– Tại vùng ĐBSCL có vùng động lực ĐBSCL, bao gồm thành phố Cần Thơ, các địa bàn cấp huyện của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc (cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Vĩnh Long, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi) và TP. Phú Quốc; trong đó TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng.

Đây là các khu vực động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, với định hướng phát triển như sau:

– Vùng động lực phía Bắc có vai trò đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Vùng tập trung phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, vùng được định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển – đảo và công nghiệp đóng tàu.

– Vùng động lực phía Nam đặt mục tiêu dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tập trung phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Định hướng ưu tiên phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phát huy thế mạnh của vùng để phát triển các ngành kinh tế biển, như: dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển.

– Vùng động lực miền Trung khai thác tối đa lợi thế đặc thù về kinh tế biển: phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; phát triển các trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, phụ trợ ngành cơ khí, khu công nghệ cao.

– Vùng động lực ĐBSCL định hướng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp. Hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; xây dựng vùng trở thành trung tâm quốc gia về khoa học, công nghệ nông nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới;

Để nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển và thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa, Quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra định hướng phát triển hệ thống các HLKT, đồng thời xác định rõ 3 HLKT ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 như sau:

– Phát triển HLKT Bắc – Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc – Nam phía Đông, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của dải ven biển và khu vực phía Tây đất nước, kết nối với HLKT Nam Ninh – Singapore.

– Phát triển HLKT Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc, kết nối vùng TDMNPB với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước, HLKT Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.

– Phát triển HLKT Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu gắn với HLKT xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và Tây Nguyên.

Ngoài 3 HLKT nói trên, để bảo đảm tăng cường hiệu ứng lan tỏa từ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, QHTTQG định hướng từng bước hình thành và phát triển các HLKT trong dài hạn, bao gồm: HLKT theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (HLKT Tây Nguyên – Đông Nam Bộ); HLKT Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội; HLKT Cầu Treo – Vũng Áng; HLKT Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; HLKT Bờ Y – Pleiku – Quy Nhơn; HLKT Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; HLKT Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau./.

Lê Anh Đức, Nguyễn Việt Dũng

Ban Chiến lược phát triển vùng – Viện Chiến lược phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)


Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2012-2021), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2011 đến năm 2020, Nxb Thống kê.


[1] Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 về vùng ĐBSH; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về vùng BTBDHMT; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về vùng Đông Nam Bộ; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về vùng Tây Nguyên; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 về vùng ĐBSCL; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 về vùng TDMNBB.