Chia sẻ về những vấn đề biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang đối mặt, ông Theng Bee Han, Chủ tịch kiêm Lãnh đạo dịch vụ ESG, Công ty PwC Việt Nam cho biết: “Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề cấp bách đối với toàn nhân loại. Việc BĐKH đang diễn ra ngày càng nhanh với những hậu quả khôn lường hơn dự đoán. Gần đây, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn về ứng phó với BĐKH tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26). Tuy nhiên, hành trình này cần có sự phối hợp giữa chính phủ và các doanh nghiệp. Đã đến lúc Việt Nam cần ứng phó với BĐKH thông qua mối liên kết đối tác công – tư chặt chẽ để đưa quốc gia hướng tới mục tiêu net zero”.

PwC: Việt Nam và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cần nỗ lực giảm khí thải carbon
Cuộc đua tới net zero sẽ bắt đầu từ cam kết của những cấp lãnh đạo cao nhất và những mục tiêu tăng cường cấp quốc gia

Chính phủ và các doanh nghiệp cần chung tay hợp tác

Cuộc đua tới net zero sẽ bắt đầu từ cam kết của những cấp lãnh đạo cao nhất và những mục tiêu tăng cường cấp quốc gia – đây cũng chính là những điểm chủ chốt được thảo luận tại COP26. Chính phủ các quốc gia đóng vai trò quan trọng việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, các nhóm ngành nghề, nền kinh tế cũng như toàn xã hội. Cùng với nỗ lực không ngừng của chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần chung tay và dẫn đầu những thay đổi.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ ESG và Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp đang nắm giữ cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh. Khả năng truyền đạt các thông tin về phát triển bền vững thông qua các báo cáo ESG (môi trường, xã hội, quản trị) sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp và các bên liên quan. Những doanh nghiệp ứng phó nhanh và toàn diện trong cuộc đua tới Net Zero sẽ đạt được lợi thế của người tiên phong.”

Tái định hình hoạt động kinh doanh hướng đến net zero

Theo PwC, cam kết hướng tới net zero đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tạo nên một sự chuyển đổi liên tục và toàn diện trong chiến lược, công nghệ và mô hình hoạt động. Các định hướng được khuyến nghị bao gồm:

Quyết tâm thực hiện: Muốn thay đổi những ảnh hưởng của doanh nghiệp lên môi trường và khí hậu, phải bắt đầu từ cấp cao nhất trong công ty. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động và tích cực chia sẻ về những cam kết mà doanh nghiệp muốn thực hiện cho mục tiêu net zero.

Chuyển đổi “xanh” toàn diện: Hãy đi trước và đón đầu tương lai. Những doanh nghiệp chủ động chuyển đổi và đạt được những mục tiêu net zero sẽ có lợi thế của những người đi đầu.

Tận dụng các nguồn vốn mới nổi: Các nguồn vốn đầu tư luôn là yếu tố tiên quyết cho doanh nghiệp. Huy động tài trợ nhằm đạt được các mục tiêu net zero đòi hỏi sự hợp tác sáng tạo và bền vững giữa tất cả các bên liên quan với nguồn vốn lớn từ đầu tư công và tư nhân.

Xây dựng lòng tin thông qua báo cáo mục tiêu: Số liệu và sự minh bạch vô cùng quan trọng. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và mô hình báo cáo, nhằm cân đối các quyết định và xây dựng lòng tin với các bên liên quan.

Cơ hội rất lớn đang hiện hữu trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam. Việc chuyển đổi hướng tới net zero giúp doanh nghiệp tăng trưởng không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà còn để lại danh tiếng lâu dài trong xã hội. Đây chính là thời điểm để chúng ta cùng chung tay hành động.

Báo cáo “Việt Nam trong cuộc đua tới Net Zero” là một phần trích từ ấn phẩm “Báo động đỏ – Thời điểm hướng tới hành trình xanh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ấn phẩm này đưa ra những nghiên cứu về tiến trình khử khí thải carbon của khu vực. Đây chính là thời điểm cho các doanh nghiệp Việt Nam và toàn khu vực phối hợp với chính phủ, đón đầu những thay đổi và nắm bắt cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh./.