Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết hợp trực tuyến, với 3 phiên thảo luận về tổng quan hành lang pháp lý, các thực tiễn tranh chấp và kinh nghiệm xử lý tại Việt Nam và quốc tế. Trong đó, tập trung đưa ra các thông tin về hành lang pháp lý đối với việc triển khai và xử lý các tranh chấp từ các dự án năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như góc độ quốc tế.

Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2022 đối mặt với những thách thức lớn, gồm xung đột địa chính trị, áp lực lạm phát kéo dài, lan rộng có tác động lớn, kéo dài tới tăng trưởng kinh tế và phản ứng chính sách của phần lớn các nền kinh tế trên thế giới. Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh vòng xoáy lạm phát và thiếu hụt nguồn cung do các đứt gãy về chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023, để duy trì được tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì các biện pháp nhằm ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, việc ổn định nguồn cung năng lượng là một trong những mối quan tâm hàng đầu cho sự phát triển của Việt Nam.

Quản lý rủi ro pháp lý và tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm
Hội thảo “Quản lý rủi ro pháp lý và tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm – Hướng tới mục tiêu năng lượng bền vững tại Việt Nam”

Theo các chuyên gia, với nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ngày càng gia tăng và dự báo 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang phải chịu nhiều áp lực và hứng chịu trực tiếp thiệt hại từ vấn đề biến đổi khí hậu. Từ đó, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam đó là phải nêu cao tầm quan trọng của việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 2157/QĐ-TTg, ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Như vậy, có thể thấy, việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo đang là xu hướng và được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, đi cùng với sự ủng hộ này, các yêu cầu về tuân thủ biện pháp bảo vệ môi trường cũng tăng lên, đòi hỏi doanh nghiệp phải triển khai dự án cẩn trọng và quản lý nghiêm khắc hơn. Trong những năm gần đây, các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng cũng tăng dần lên với nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc đáp ứng yêu cầu về môi trường. Thực tế kinh nghiệm của VIAC cho thấy, các tranh chấp có thể phát sinh ở cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành, với tính chất ngày càng phức tạp, trị giá lớn, thời gian tranh chấp kéo dài, gây ra những thiệt hại đáng kể cho các bên trong dự án. Không những vậy, vì là các dự án lớn, các tranh chấp có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng dân cư, và rộng hơn là ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững của năng lượng chung quốc gia.

Tại Phiên 1, với sự điều phối của ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội, Luật sư Thành viên tại YKVN cùng các diễn giả là bà Vũ Thị Châu Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Công Thương; ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC; ông Neil Nucup – Phụ trách Văn phòng đại diện Tòa Trọng tài Thường trực (tại Việt Nam), các chuyên gia tập trung đưa ra các đánh giá về chính sách hiện có, cũng như định hướng về việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực khá đặc thù này.

Theo các diễn giả, phần lớn dự án năng lượng thường kéo dài, phức tạp và có khả năng tiếp xúc đáng kể với các sự kiện địa chất, tác động nhất định đến bối cảnh chính trị và các quy định về môi trường. Chính vì những lý do đó, trọng tài nên và đã trở thành phương án ưu tiên giải quyết những tranh chấp dạng này, đặc biệt ở cấp độ quốc tế.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, từ năm 2013 – 2022, VIAC đã tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp các dự án năng lượng, có tổng trị giá tranh chấp hơn 300 triệu USD. Gần đây nhất, thực tế giải quyết các vụ tranh chấp của VIAC cho thấy, có xu hướng xảy ra nhiều tranh chấp trong các dự án điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian trung bình để giải quyết các vụ tranh chấp là hơn 7 tháng.

Chia sẻ về các vấn đề pháp lý liên quan đến thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các dự án năng lượng đều là những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện dài, nhiều bên tham gia, do đó, thường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các dự án đầu tư ở những lĩnh vực khác. Nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp và rủi ro xảy ra nhiều hơn tại các dự án năng lượng là do các thủ tục hành chính thường chậm trễ, cũng như vẫn thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật giữa các ngành. Ngoài ra, về phía các nhà đầu tư còn chưa nắm được đầy đủ các quy định liên quan đến lĩnh vực này, cũng như việc thực hiện các thủ tục còn chưa tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

Quản lý rủi ro pháp lý và tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm
Trọng tài nên là phương án ưu tiên giải quyết những tranh chấp cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng do thời gian kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Do đó, bà Châu khuyến nghị các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư cần đặc biệt lưu ý phải soi chiếu với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cũng cần đối chiếu với các quy hoạch ngành, cụ thể là Quy hoạch Điện VIII. Đồng thời cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, khả năng giao đất, cho thuê đất, mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan. Bản thân các doanh nghiệp và nhà đầu tư rất cần lưu ý thận trọng trong đàm phán các thỏa thuận mua bán điện, bởi đây cũng là khâu tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư không nắm được các quy định.

Phiên 2 với sự điều phối của ông Chou Sean Yu – Luật sư thành viên Wong Partnership, với sự tham gia của các diễn giả gồm Luật sư Amanda Lees – Luật sư thành viên King & Wood Mallesons; Luật sư Jonathan Ellis – Luật sư Thành viên HKA; TS. Colin Ong – Luật sư thành viên Colin Ong Legal Services và Luật sư Ngô Quỳnh Anh – Luật sư thành viên EPLegal đã đem đến cho các đại biểu tham dự góc nhìn về thực tiễn quản trị rủi ro, cũng như xử lý tranh chấp trong các dự án năng lượng truyền thống. Qua quan sát và kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia khẳng định, các dự án về năng lượng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn và việc giải quyết các tranh chấp này theo hình thức trọng tài là phù hợp không chỉ với thông lệ quốc tế, mà còn phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Hầu hết, các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng đều có yếu tố nước ngoài, chính bởi vậy, tính quốc tế trong thủ tục là yêu cầu luôn được đặt ra và là một trong những điểm mà doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn phương thức giải quyết. Vốn là phương thức được du nhập từ quốc tế, trọng tài thương mại có thể nói là một trong những phương thức có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tính quốc tế, nhanh chóng, hiệu quả.

Chính bởi vậy, phương thức này đã, đang và sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai để giải quyết các tranh chấp phức tạp như tranh chấp về dự án năng lượng. Tuy nhiên, song song với đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, để đạt được hiệu quả, doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng về các thủ tục áp dụng; có thể xem xét yếu tố hỗ trợ của luật sư hoặc các chuyên gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Tại Phiên 3, với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trong quản trị rủi ro và xử lý tranh chấp trong các dự án phát triển năng lượng xanh (điện mặt trời, điện gió, điện rác, điện bio)” với sự điều phối của Luật sư Nguyễn Ngọc Minh – Luật sư thành viên, Công ty Luật TNHH Tư vấn độc lập cùng các diễn giả là Luật sư Kazuhide Ohya – Luật sư thành viên, Công ty Luật Nishimura&Asahi, ông Giandomenico Zappia –Thành viên Ban lãnh đạo, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), ông Tigran Ter-Martirosyan Giám đốc Accuracy, các vấn đề tranh chấp thường gặp và định hướng giải quyết tranh chấp trong các dự án phát triển năng lượng xanh được các diễn giả tập trung đề cập.

Theo các diễn giả, trong những năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đi cùng với tiềm năng phát triển đó, các tranh chấp dự án năng lượng tái tạo cũng gia tăng về cả số lượng và mức độ phức tạp. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các diễn giả cho rằng trọng tài là một lựa chọn đáng để cân nhắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, bởi hình thức này có nhiều ưu điểm phù hợp với các dự án phức tạp như dự án năng lượng, tuy nhiên, đặc thù của ngành năng lượng có thể tạo ra một số thách thức về thủ tục trong quá trịnh tố tụng trọng tài. Do đó, trong quá trình giải quyết, hội đồng trọng tài và các bên cần hết sức chú ý và cẩn trọng để đảm bảo việc giải quyết thuận lợi, tránh các rủi ro không đáng có phát sinh./.