Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hôm nay (ngày 28/7), Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có sức thuyết phục
Có ý kiến cho rằng, quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có sức thuyết phục

Liên quan đến Điều 127 về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, việc thỏa thuận là rất cần thiết, nhưng nếu không quy định chặt chẽ thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng trong một dự án có các mức thỏa thuận cao thấp khác nhau, tạo nên sự không công bằng ngay trong một dự án. Do đó, cần có quy định để các nhà đầu tư thỏa thuận trên một nền tảng cơ bản, bảo đảm sự thống nhất.

Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, dự thảo Luật quy định mở rộng thời hạn xem xét việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2014 so với thời hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 là đến ngày 1/7/2004 (Điều 138). Một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy chưa có sức thuyết phục. Bởi trong thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều hộ gia đình đang sử dụng đất, nhưng chính quyền không cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do những vướng mắc về quy định pháp luật. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng các địa phương rà soát nếu khu đất đó phù hợp điều kiện và quy hoạch của địa phương, thì có thể xem xét cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình; nếu không phù hợp hoặc vi phạm, thì thu hồi và có biện pháp xử lý.

Về giá đất, các đại biểu đồng tình với ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến Đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 158 vì không rõ ràng về mặt pháp lý; quy định tại các điều, khoản tại Mục 2 Chương XI về căn cứ xác định, thông tin đầu vào, phương pháp xác định giá đất đã thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; bổ sung quy định rõ nội hàm các phương pháp xác định giá đất và trường hợp áp dụng phương pháp cụ thể; bỏ phương pháp chiết trừ vì đây thực chất là một trường hợp đặc biệt của phương pháp so sánh trực tiếp; chỉnh sửa, bỏ quy định về bảng giá đất được áp dụng để tính giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Với 2 đề xuất điều chỉnh giá đất, một là bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất và phương án 2 là vẫn giữ lại phương pháp thặng dư, nhưng ràng buộc điều kiện phải sử dụng cùng với ít nhất 1 phương pháp khác để có sự so sánh và sẽ chọn phương pháp nào mà kết quả xác định tiền sử dụng đất cao hơn tại thời điểm so sánh, các ý kiến nghiêng về phương án cần giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất. Cũng có ý kiến cho rằng, nên chỉ quy định 1 phương pháp định giá để đồng nhất giá đất thay vì nhiều phương pháp như hiện nay.

Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có sức thuyết phục
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật

Kết luận hội thảo, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2023 sắp tới.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm nay./.