Phm Hoàng Uyên

Email: uyenph@uel.edu.vn

Trn Thị Lãnh

Email: lanhtranthi1996@gmail.com

Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của Đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro đến Hiệu quả tài chính (HQTC) của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam thông qua việc đưa các biến tương tác vào mô hình hồi quy. Từ việc phân tích dữ liệu báo cáo tài chính của 27 NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2021, nghiên cứu đánh giá mối quan hệ dựa trên 4 mô hình: (1) Tác động riêng biệt của biến Đa dạng hóa thu nhập; (2) Tác động riêng biệt của biến Rủi ro; (3) Tác động đồng thời của Đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro; (4) Tác động tổng thể dựa trên biến tương tác của Đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị cho các NHTM trong việc nâng cao HQTC.

Từ khóa: đa dạng hóa thu nhập, rủi ro, hiệu quả tài chính, ngân hàng thương mại, Việt Nam

Summary

By regression model, this research aims to evaluate the impact of income diversification and risk on the financial performance of commercial banks in Vietnam. Using data from financial reports of 27 commercial banks in Vietnam from 2009 to 2021, the study assesses the relationship based on four models: (1) the separate impact of income diversification; (2) the separate impact of risk; (3) the simultaneous impact of income diversification and risk; (4) the overall impact based on the interaction of income diversification and risk. From research findings, implications for banks are provided to enhance financial performance.

Keywords: income diversification, risk, financial performance, commercial banks, Vietnam

GIỚI THIỆU

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã giáng những đòn mạnh mẽ đến nền kinh tế nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đối diện với khó khăn, các NHTM tại Việt Nam đã thực hiện các biện pháp linh hoạt, điều chỉnh từ cấu trúc tổ chức đến hoạt động kinh doanh. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 08/6/2022 về việc phê duyệt Đê án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, hoạt động tái cơ cấu diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Quyết định này đã thúc đẩy việc đa dạng hóa kinh doanh của ngân hàng thông qua các hoạt động phi tín dụng (Luu và cộng sự, 2020). Đến nay, hoạt động của các ngân hàng đã phản ánh sự đa dạng hóa triệt để trong các lĩnh vực kinh doanh, chứ không chỉ giới hạn ở vai trò cầu nối trung gian giữa những người thừa vốn và những người có nhu cầu vốn. Nhờ vào việc mở rộng các nguồn thu ngoài lãi, bao gồm các khoản: phí dịch vụ, quản lý tư vấn tài chính và các hoạt động liên quan đến ngoại hối, các ngân hàng đã tăng cường lợi thế cạnh tranh của mình. Thêm vào đó, họ đã mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách tham gia vào đầu tư, kinh doanh trên thị trường chứng khoán, bảo hiểm, các hoạt động ngoại bảng và tập trung mở rộng thị phần địa lý. Qua đó, đa dạng hóa thu nhập trở thành một yếu tố quan trọng đối với hiệu suất của các NHTM; thay vì chỉ tập trung vào các khoản vay truyền thống (Lepetit và cộng sự, 2008).

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa rủi ro và đa dạng hóa thu nhập (Edirisuriya và cộng sự, 2015; Lepetit và cộng sự, 2008; Wang và Lin, 2021). Tuy nhiên, mối quan hệ này còn nhiều tranh luận khi các hoạt động đa dạng hóa có thể trở nên rất nhạy cảm và dễ thay đổi trước các rủi ro, đặc biệt là các cú sốc của nền kinh tế (Calmès và Théoret, 2014). Trong khi đó, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, đa dạng hóa sẽ là công cụ hiệu quả trong việc điều tiết, giảm bớt các tác động tiêu cực từ các rủi ro (Edirisuriya và cộng sự, 2015; Wang và Lin, 2021). Trong bối cảnh các ngân hàng tại Việt Nam, các nghiên cứu đã đưa vào xem xét một số nhân tố khác nhau, như: vốn trí tuệ (Vo và Tran, 2021), toàn cầu hóa, cấu trúc vốn chủ sở hữu (Son và cộng sự, 2015), công nghệ thông tin (Do và cộng sự, 2022) và đa dạng hóa thu nhập (Luu và cộng sự, 2020; Vo, 2020). Tuy nhiên, dưới góc độ tổng hợp, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá các tác động riêng lẻ của rủi ro và đa dạng hóa thu nhập, cũng như đi sâu vào tác động đồng thời, tổng hợp của 2 nhân tố này đến hiệu quả tài chính. Vì vậy, việc nghiên cứu về vấn đề này là hết sức cần thiết và đây cũng là lý do nhóm tác giả chọn nghiên cứu đề tài.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm Đa dng hóa thu nhập

Osman và cộng sự (2013) định nghĩa, đa dạng hóa thu nhập trong lĩnh vực ngân hàng là việc tăng tỷ trọng phí, lợi nhuận kinh doanh ròng và các khoản thu nhập ngoài lãi khác trong thu nhập hoạt động ròng của ngân hàng. Việc đa dạng hóa thu nhập là một nhân tố quan trọng trong hoạt động điều hành hoạt động của ngân hàng, bởi vì đa dạng hóa sẽ giúp ngân hàng không chỉ giảm rủi ro, mà còn cải thiện hiệu quả hoạt động (Addai và cộng sự, 2022). Đa dạng hóa giúp hạn chế rủi ro, nhưng cũng có thể làm giảm lợi nhuận, ít nhất là trong ngắn hạn.

Hiệu quả tài chính (HQTC)

HQTC của doanh nghiệp có thể được hiểu là kết quả đầu ra của các hoạt động trong doanh nghiệp và cần định lượng được kết quả (Neely và cộng sự, 1995). Nhân tố này được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng cho sự thịnh vượng của bất kỳ tổ chức tài chính nào.

Tổng quan nghiên cứu

Mối quan hệ giữa Đa dạng hóa thu nhập và HQTC của các ngân hàng

Mối quan hệ giữa Đa dạng hóa thu nhập và HQTC được quan tâm nhiều từ các nghiên cứu trước đây, bao gồm cả về lý thuyết và thực nghiệm. Các nghiên cứu về mối quan hệ này đều chưa có sự đồng nhất, tồn tại 2 trường phái khác nhau, nên có thể chia thành 2 nhóm chính.

Ở nhóm đầu tiên, một số nghiên cứu cho thấy, đa dạng hóa thu nhập có tác động tích cực đến HQTC. Chiorazzo và cộng sự (2008) khi phân tích mẫu dữ liệu từ 85 ngân hàng Ý giai đoạn 1993-2003 đã chỉ ra rằng, có mối quan hệ thuận chiều giữa đa dạng hóa thu nhập và lợi nhuận mang lại khi điều chỉnh theo mức độ rủi ro. Nghiên cứu mẫu dữ liệu từ 38 ngân hàng Ấn Độ, Vidyarthi (2020) chỉ ra rằng, đa dạng hóa thu nhập trong giai đoạn 2004-2005 tới 2015-2016 có thể thúc đẩy mạnh mẽ HQTC. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng tìm ra mối quan hệ phi tuyến hình chữ U ngược giữa đa dạng hóa thu nhập và các thông số HQTC. Trong cùng bối cảnh các ngân hàng ở Ấn, nghiên cứu của Mostak Ahamed (2017) với quy mô mẫu 107 NHTM trong giai đoạn 1998-2014 xác nhận rằng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao hơn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn và lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro. Các ngân hàng tư nhân nước ngoài sẽ có được nhiều lợi nhuận điều chỉnh rủi ro hơn khi so với khu vực công và các ngân hàng tư nhân nội địa. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, đa dạng hóa thu nhập sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các ngân hàng có chất lượng tài sản thấp hơn so với các ngân hàng với chất lượng tài sản cao hơn.

Khi đánh giá vai trò của kinh nghiệm và cấu trúc vốn chủ sở hữu trong mối quan hệ giữa đa dạng hóa thu nhập và HQTC của các NHTM Việt Nam, Luu và cộng sự (2020) chỉ ra, đa dạng hóa thu nhập có tác động tích cực đến HQTC của ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ dao động giữa các loại hình ngân hàng. Ngoài ra, tác động tích cực của đa dạng hóa sẽ nổi bật hơn đối với các ngân hàng với nhiều kinh nghiệm hơn trên thị trường.

Ở phạm vi các quốc gia, mối quan hệ tích cực giữa đa dạng hóa thu nhập và HQTC của các ngân hàng cũng được xác nhận trong một số nghiên cứu trước đây (Adem, 2023; Najam và cộng sự, 2022; Sharma và Anand, 2018). Nghiên cứu của Sharma và Anand (2018) đã cho thấy, tác động tích cực của đa dạng hóa đến hiệu suất các ngân hàng quy mô vừa và lớn khi sử dụng mẫu nghiên cứu là 169 ngân hàng trong giai đoạn 2001–2015. Tại các nước châu Phi, nghiên cứu của Adem (2023) đã chỉ ra việc đa dạng hóa thu nhập có thể cải thiện sự ổn định tài chính trong các giai đoạn giữa những năm 2000 và 2017, đặc biệt là trong những giai đoạn khủng hoảng. Ngoài ra, thể chế chính trị cũng có tác động tích cực đến tính dễ đổ vỡ của ngân hàng; trong khi, các yếu tố kinh tế vĩ mô bao gồm: tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội và lạm phát cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của ngân hàng. Nghiên cứu cũng xác nhận việc tồn tại mối quan hệ hình chữ U ngược giữa đa dạng hóa thu nhập và HQTC. Khác với các nghiên cứu trước đó, với phương pháp hồi quy phân vị, Najam và cộng sự (2022) đã phát hiện rằng, đa dạng hóa thu nhập tác động tích cực đến lợi nhuận trên tài sản ở tất cả các phân vị của tất cả các quốc gia, mặc dù quy mô có thể khác nhau giữa các quốc gia và nhóm phân vị trong phạm vi các ngân hàng các quốc gia ASEAN trong giai đoạn 2008-2019.

Ở nhóm thứ hai, các nghiên cứu chỉ ra mặt tối của tác động từ đa dạng hóa thu nhập đến HQTC của ngân hàng. Githaiga (2020) đã chỉ ra mối quan hệ nghịch chiều giữa đa dạng hóa thu nhập và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới tác động tiêu cực của đa dạng hóa thu nhập, là: Thiếu chuyên môn trong quản lý các hoạt động ngân hàng phi truyền thống; Lợi ích từ việc đa dạng hóa doanh thu có thể bị xói mòn nhanh chóng, bởi các chi phí liên quan đến các hoạt động phi truyền thống; Các nhà quản lý ngân hàng có thể dễ dàng rơi vào bẫy mới, do đó, bỏ qua các hoạt động chính thống. Khi đánh giá chi tiết hơn về đa dạng hóa thu nhập, Francis và cộng sự (2018) đã đặt giả thiết, liệu đa dạng hóa vào tài sản, ngành, và người vay có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng tại Nhật Bản. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, đa dạng ở cấp độ tài sản, ngành và người vay sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, khi khả năng sàng lọc và giám sát của các ngân hàng được kiểm soát, tác động tiêu cực của đa dạng hóa trở nên yếu đi hoặc biến mất.

Mối quan hệ giữa rủi ro và HQTC của ngân hàng

Một chỉ số phổ biến được sử dụng để đo lường rủi ro liên quan đến ổn định tài chính và khả năng thanh toán của ngân hàng là chỉ số Z-score (Lepetit và Strobel, 2015). Nghiên cứu trước đã đưa ra các kết quả không nhất quán khi đánh giá mối quan hệ giữa rủi ro và hiệu suất tài chính của ngân hàng.

Điển hình, Alwi và cộng sự (2021) đã nghiên cứu tác động của các yếu tố cấp ngân hàng, như: tài sản không được chi trả (non-performing assets), mức an toàn vốn và rủi ro mất khả năng thanh toán (đo lường bằng chỉ số Z-score) đến hiệu suất hoạt động ngân hàng. Sử dụng dữ liệu thu thập từ báo cáo tài chính của các NHTM nhà nước và tư nhân Indonesia trong giai đoạn 2015-2019, nghiên cứu này chỉ ra rằng, rủi ro mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất hoạt động ngân hàng.

Ngược lại, khi sử dụng 3 phương pháp đo lường rủi ro ngân hàng khác nhau (tính kém hiệu quả của sự ổn định, Z-score và tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay trên tổng các khoản cho vay), Tan (2016) đã chỉ ra rằng, hiệu suất hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc chịu nhiều tác động của thuế, chi phí chung, năng suất lao động và lạm phát, mà không bị tác động bởi các rủi ro ngân hàng được đề cập trước đó.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở tham khảo, tổng hợp và kế thừa các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đưa ra 4 mô hình nghiên cứu thể hiện mối quan hệ giữa các nhân tố. Để nghiên cứu tác động của Đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro cho vay đến HQTC của các NHTM Việt Nam, mô hình hồi quy bảng động sẽ được sử dụng bằng cách đưa độ trễ của biến phụ thuộc vào mô hình để biến giải thích. Bốn mô hình đề xuất cụ thể như sau:

Mô hình 1: Tác động của Đa dạng hóa thu nhập đến HQTC của NHTM Việt Nam thể hiện tại phương trình sau:

Tác động của đa dạng hóa thu nhập và rủi ro đến hiệu quả tài chính: Bằng chứng thực nghiệm từ các ngân hàng thương mại Việt Nam

Mô hình 2: Tác động của Rủi ro đến HQTC của NHTM Việt Nam thể hiện ở phương trình sau:

Tác động của đa dạng hóa thu nhập và rủi ro đến hiệu quả tài chính: Bằng chứng thực nghiệm từ các ngân hàng thương mại Việt Nam

Mô hình 3: Tác động của Đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro đến ro đến HQTC của NHTM Việt Nam thể hiện ở phương trình sau:

Tác động của đa dạng hóa thu nhập và rủi ro đến hiệu quả tài chính: Bằng chứng thực nghiệm từ các ngân hàng thương mại Việt Nam

Mô hình 4: Tác động tổng hợp của Đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro đến ro đến HQTC của NHTM Việt Nam thể hiện ở phương trình sau:

Tác động của đa dạng hóa thu nhập và rủi ro đến hiệu quả tài chính: Bằng chứng thực nghiệm từ các ngân hàng thương mại Việt Nam

Trong đó, it lần lượt đại diện cho số lượng mẫu ngân hàng và số năm trong phạm vi nghiên cứu, α là hệ số hồi quy, λ là ma trận các biến kiểm soát, ε là phần dư sai số. Ngoài ra, ROEi,t là HQTC của ngân hàng i tại thời điểm t. ROEi,t-1 là HQTC của ngân hàng i tại thời điểm t-1. INDi,t Riski,t lần lượt là đa dạng hóa thu nhập và rủi ro của ngân hàng i tại thời điểm t.

Các giả thuyết nghiên cứu tương ứng được đưa ra như sau:

H1: Đa dạng hóa thu nhập tác động tích cực đến HQTC của các NHTM Việt Nam.

H2: Rủi ro ngân hàng tác động tiêu cực đến HQTC của các NHTM Việt Nam.

Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng các biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu kế thừa từ các nghiên cứu đi trước, chi tiết như Bảng 1.

Bảng 1: Các biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu

Ký hiệu

Tên biến

Cách tính

Nguồn

SIZE

Quy mô ngân hàng

Logarit tự nhiên của tổng tài sản

Sharma và Anand, (2018); Luu và cộng sự, (2020)

LTA

Mức độ cho vay

Dư nợ/Tổng tài sản

Francis và cộng sự, (2018); Ngoc Nguyen, (2019)

ETA

Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản

Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản

Adem, 2023; Najam và cộng sự, 2022; Alwi và cộng sự, (2021); Ngoc Nguyen, (2019)

NPL

Chất lượng cho vay

Nợ xấu/Tổng dư nợ

Adem, 2023; Najam và cộng sự, 2022; Alwi và cộng sự, (2021); Ngoc Nguyen, (2019)

GTA

Mức độ tăng trưởng

(Tổng tài sản năm t – tổng tài sản năm t-1)/Tổng tài sản năm t-1

Adem, 2023; Najam và cộng sự, 2022; Ngoc Nguyen, (2019)

LIQ

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi

Dư nợ vay/Tiền gửi của khách hàng

Adem, 2023; Najam và cộng sự, 2022; Ngoc Nguyen, (2019)

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của 27 NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2021 (là giai đoạn các NHTM đang phục hồi sau khủng hoảng kinh tế, nên bắt đầu triển khai các loại hình kinh doanh khác làm đa dạng hóa nguồn thu), đồng thời áp dụng phương pháp kiểm định Durbin-Wu-Hausman để tìm ra các biến nội sinh trong mô hình hồi quy. Cùng với đó, phương pháp ước lượng Moment tổng quát (GMM) hồi quy cũng được áp dụng nhằm tìm ra mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc. Dữ liệu thu thập được phân tích bằng phần mềm Stata 14 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả bộ dữ liệu

Bảng 2 thể hiện số liệu thống kê mô tả cho dữ liệu 27 NHTM Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2009-2021.

Bảng 2: Thống kê mô tả bộ dữ liệu

Biến

Số quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

ROE

351

0.100

0.087

-0.820

0.594

IND

351

0.288

0.087

0

0.500

Risk

351

0.363

1.858

-24.105

11.917

SIZE

351

32.225

1.209

28.834

35.105

LTA

351

0.555

0.129

0.145

0.808

ETA

351

0.096

0.0434

0.013

0.332

NPL

351

0.019

0.013

0

0.088

GTA

351

0.233

0.264

-0.392

1.530

LIQ

351

0.891

0.891

0.363

1.978

Nguồn: Dữ liệu phân tích từ phần mềm Stata 14

Biến ROE thể hiện HQTC của các ngân hàng, ROE dao động từ -0.82 đến 0.59. Giá trị ROE càng lớn, HQTC của ngân hàng càng cao. Diễn biến của chỉ số ROE của 27 ngân hàng có lúc tăng lúc giảm và giá trị trung bình là 0.1. Điều này cho thấy, HQTC của các ngân hàng chưa ổn định và giá trị chưa cao.

Biến IND được đo lường bằng cách lấy 1 trừ tổng bình phương các tỷ lệ thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập. Do đó, giá trị của biến IND nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Nếu giá trị của IND càng tiến về 0, thì mức độ đa dạng hóa của ngân hàng càng thấp, và ngược lại, nếu giá trị IND càng tiến về 1, thì mức độ đa dạng hóa càng cao. Theo số liệu thống kê mô tả (Bảng 2), giá trị IND giao động từ 0 đến 0.50 và giá trị trung bình là 0.29. Từ đó cho thấy, mức độ đa dạng hóa của các NHTM trong giai đoạn 2009-2021 đang ở mức thấp, các ngân hàng vẫn đang tập trung vào các hoạt động truyền thống như huy động vốn và cho vay.

Biến Risk thể hiện mức độ rủi ro phá sản của ngân hàng. Giá trị biến Risk dao động từ 24.11 đến 11.92 và giá trị trung bình là 0.36. Giá trị biến Risk càng lớn đồng nghĩa với rủi ro phá sản của ngân hàng càng cao và ngược lại. Trong giai đoạn từ năm 2009-2021, giá trị biến Risk lúc tăng lúc giảm, giá trị cao nhất là 11.92. Điều này cho thấy, có thời gian ngân hàng đối mặt với rủi ro phá sản cao và có nhiều bất ổn. Đây là cảnh báo quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý ngân hàng trong công tác quản trị rủi ro hơn nữa.

Biến quy mô (SIZE) của các ngân hàng đều có xu hướng tăng trường trong giai đoạn 2009-2021. Cụ thể, quy mô tài sản dao động từ giá trị nhỏ nhất 28.83 và giá trị cao nhất đạt 35.11. Về dư nợ trên tổng tài sản (LTA), dư nợ của các ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng, giá trị trung bình chiếm 55.51% tổng tài sản. Biến LTA có giá trị thấp nhất là 14.48% (TPB) và đạt mức cao nhất là 80.84% (SGB), cho thấy ngân hàng chú trọng vào việc cho vay khách hàng. Về vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (ETA), giá trị biến ETA dao động từ 4.06% đến 33.24% và giá trị trung bình đạt 9.63%, thể hiện khả năng chịu rủi ro càng cao của ngân hàng.

Ngoài ra, giá trị vốn chủ sở hữu ngân hàng dao động từ mức 42 tỷ đồng (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín – VBB) và đạt mức cao nhất 109 tỷ đồng (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – VCB). Biến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) của các NHTM trong giai đoạn từ năm 2009-2021 dao động từ mức 0% đến mức cao nhất 8.81% và giá trị trung bình đạt 1.87%. Giá trị này càng cao thể hiện ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro. Biến mức độ tăng trưởng (GTA) của NHTM giai đoạn từ năm 2009-2021 có nhiều biến động. Có những ngân hàng có mức tăng trưởng âm, những cũng có ngân hàng tăng trưởng khá cao. Giá trị thấp nhất là tăng trưởng -39.24%, giá trị cao nhất đạt 152.97% và giá trị trung bình đạt 23.33%. Giá trị GTA càng cao, thì mức độ tăng trưởng của ngân hàng càng tốt. Biến dư nợ vay trên tiền gửi khách hàng (LIQ) trong giai đoạn 2009-2021 của các NHTM dao động từ 36.33% đến 197.76%.

Kiểm định biến nội sinh

Kết quả kiểm định Durbin-Wu-Hausman cho ra các biến bao gồm: ROE (-1), IND, Risk, IND*Risk, SIZE, LTA, ETA, NPL , GTA và LIQ (Bảng 3).

Bảng 3: Kết quả kiểm định biến nội sinh

Biến

Kiểm định Durbin – Wu-Hausman (Hệ số IVENDOG)

Kết luận

ROE(-1)

5.907***

Biến nội sinh

IND

2.002**

Biến nội sinh

Risk

9.221**

Biến nội sinh

IND*Risk

1.234*

Biến nội sinh

SIZE

2.431**

Biến ngoại sinh

LTA

1.229*

Biến ngoại sinh

ETA

12.988***

Biến nội sinh

NPL

11.889***

Biến ngoại sinh

GTA

0.88**

Biến nội sinh

LIQ

8.232

Biến ngoại sinh

***,**, * có giá trị P-value tương ứng là 1%, 5% và 10%

Nguồn: Dữ liệu phân tích từ phần mềm Stata 14

Kết quả kiểm tra hiện tượng nội sinh của các biến độc lập trong mô hình hồi quy cho thấy, có 6 biến nội sinh trong mô hình bao gồm: ROE (-1), IND, Risk, IND*Risk, ETA và GTA. Do mô hình xảy ra hiện tượng nội sinh nên để khắc phục, phương pháp hồi quy GMM sẽ được sử dụng và cho ra kết quả hồi quy.

Kết quả hồi quy GMM

Bảng 4: Kết quả hồi quy theo phương pháp GMM

Biến

Mô hình 1

Mô hình 2

Mô hình 3

Mô hình 4

ROE(-1)

0.418***

0.398***

0.421***

0.413***

(0.0305)

(0.0337)

(0.0308)

(0.0299)

IND

0.0550**

0.0534**

0.0479*

(0.0269)

(0.0269)

(0.0259)

Risk

-0.00189***

-0.00208***

-0.00460

(0.000521)

(0.000497)

(0.00692)

IND* Risk

0.0106

(0.0165)

SIZE

0.0212***

0.0239***

0.0203***

0.0196***

(0.00525)

(0.00612)

(0.00517)

(0.00508)

LTA

-0.00432

0.0154

-0.00831

-0.0150

(0.0444)

(0.0400)

(0.0449)

(0.0460)

ETA

0.234

0.334*

0.213

0.171

(0.173)

(0.193)

(0.174)

(0.161)

NPL

-0.412***

-0.346**

-0.453***

-0.494***

(0.138)

(0.165)

(0.144)

(0.177)

GTA

0.0165*

0.0148

0.0145

0.0151

(0.00945)

(0.0122)

(0.00955)

(0.0103)

LIQ

0.0433***

0.0351**

0.0407***

0.0426***

(0.0152)

(0.0139)

(0.0142)

(0.0148)

Hằng số

-0.699***

-0.783***

-0.661***

-0.630***

(0.183)

(0.221)

(0.181)

(0.178)

Số quan sát

324

324

324

324

Số lượng NH

27

27

27

27

Số biến công cụ

20

20

21

22

Kiểm định Arellano – Bond đối với AR(1)

0.116

0.122

0.121

0.116

Kiểm định Arellano – Bond đối với AR(2)

0.142

0.154

0.162

0.151

Hansen Test

0.603

0.452

0.602

0.585

*** p

Nguồn: Dữ liệu phân tích từ phần mềm Stata 14

Đa dạng hóa thu nhập

Bảng 4 cho thấy, hệ số hồi quy của biến IND trong kết quả thực nghiệm trong mô hình 1 là 0.055 và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%; tương tự, trong mô hình 3 và 4 khi xem xét có sự tồn tại đồng thời của biến Risk lần lượt là 0.0534 ở mức ý nghĩa 5% và 0.0479 ở mức ý nghĩa 10%. Điều này thể hiện tác động tích cực của IND lên HQTC ROE. Do đó, có thể kết luận rằng, việc đa dạng hóa thu nhập đã cải thiện HQTC ở các NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Ngoài ra, trong mô hình, biến đa dạng hóa thu nhập IND được xây dựng trên cở sở thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi. Trong đó, thu nhập ngoài lãi được xây dựng từ các nguồn thu nhập, bao gồm: thu nhập dịch vụ và hoa hồng, thu nhập thương mại, thu nhập đầu tư và thu nhập khác. Chính vì thế, đây là kết quả mang tính tổng quát cho nhiều loại hoạt động đa dạng hóa thu nhập khác nhau.

Rủi ro ngân hàng

Hệ số hồi quy của biến Risk trong mô hình 2 là -0.00189 và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, có nghĩa rằng, rủi ro cứ tăng 1%, thì HQTC giảm 0.00189%. Điều này thể hiện tác động tiêu cực của biến Risk lên ROE, tức là khi ngân hàng đối mặt với càng nhiều rủi ro, thì HQTC của ngân hàng càng giảm. Tương tự, trong mô hình 3, khi xem xét sự tác động đồng thời với biến Mức độ đa dạng hóa thu nhập IND, rủi ro cũng có tác động kéo giảm HQTC. Cụ thể, khi Rủi ro tăng 1%, sẽ kéo theo HQTC giảm 0.00208%, tại mức ý nghĩa 1%. Kết quả trên phù hợp với nghiên cứu trước khi rủi ro có tác động tiêu cực đáng kể lên hoạt động của các ngân hàng.

Bảng 4 cũng thể hiện sự ảnh hưởng của biến tương tác giữa Mức độ đa dạng hóa thu nhập và Rủi ro ngân hàng lên HQTC. Tuy nhiên, kết quả hồi quy cho thấy, biến này không có tác động mang ý nghĩa thống kê lên HQTC. Điều này có nghĩa rằng, HQTC của các NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn này không chịu ảnh hưởng hoặc chịu ảnh hưởng rất hạn chế khi đa dạng hóa thu nhập tương tác với rủi ro.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Mức độ đa dạng hóa thu nhập tác động tích cực, trong khi Rủi ro có tác động tiêu cực lên HQTC. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đó và phù hợp với thực tiễn ngành ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn này, khi sự tăng trưởng đi đôi với việc đa dạng hóa thu nhập và phát triển các công cụ giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, sự tương tác của 2 nhân tố này không có mối quan hệ hoặc có ảnh hưởng rất hạn chế lên HQTC. Điều này có nghĩa là Rủi ro và Mức độ đa dạng hóa thu nhập chỉ có tác động riêng lẻ, chứ không ảnh hưởng đồng thời lên HQTC. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị như sau:

Khi các NHTM đa dạng hóa thu nhập, thì sẽ tăng HQTC, song cũng cần kiểm soát việc đa dạng hóa trong một giới hạn nhất định để tránh việc đa dạng hóa quá nhiều sẽ gia tăng rủi ro cho ngân hàng, từ đó, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, các NHTM tại Việt Nam vẫn đang giữ mức đa dạng hóa ở mức tương đối thấp. Bằng chứng là hiện nay các NHTM vẫn kiểm soát tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập dưới 18.56% – 21.78%. Trong tương lai, theo nhu cầu phát triển kinh tế, thì các NHTM có thể sẽ phải có theo xu hướng đa dạng hóa thu nhập cao hơn để phù hợp với thực tế. Và tất nhiên khi đó, yêu cầu ngân hàng cần phải có những quy định chặt chẽ, hệ thống kiểm soát, quản trị rủi ro tốt hơn.

Ngoài ra, các NHTM cần đẩy mạnh các hoạt động đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình, nên quan tâm đến việc nâng cao tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập của ngân hàng. Đồng thời, cần đánh giá, phân tích và bắt kịp nhu cầu thị trường, từ đó, mở rộng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với thực tế, áp dụng công nghệ số trong các dịch vụ hiện đại để giảm chi phí hoạt động và thuận lợi cho việc cải tiến sản phẩm. Cần có tỷ lệ hợp lý của từng thành phần thu nhập. Khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa thu nhập cần thực hiện đồng thời các việc: (i) Đối với các sản phẩm dịch vụ có thu phí, như: chuyển tiền, quản lý tài khoản, phí bảo lãnh… cần giảm tỷ lệ và duy trì ổn định, nhưng nâng cao các ưu đãi nhằm và gia tăng khách hàng; (ii) Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán chứng khoán, kinh doanh ngoại hối ở mức độ phù hợp, vì các hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước và thị trường biến động; (iii) Nâng cao hiệu quả góp vốn bằng cách tổ chức bộ phận chuyên trách để xây dựng, đầu tư danh mục hiệu quả, quản lý được rủi ro và tuân thủ quy định của pháp luật./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Adem, M. (2023), Impact of income diversification on bank stability: a cross-country analysis, Asian Journal of Accounting Research, 8(2), 133–144, https://doi.org/10.1108/AJAR-03-2022-0093.

2. Alwi, H. H., Parmitasari, N. A., and Pamungkas, I. D. (2021), The Role of Non-Performing Asset, Capital, Adequacy and Insolvency Risk on Bank Performance: A Case Study in Indonesia, Journal of Asian Finance, Economics and Business, 8(3), 319–329, https://doi.org/10.13106/jafeb.2021.vol8.no3.0319.

3. Calmès, C., and Théoret, R. (2014), Bank systemic risk and macroeconomic shocks: Canadian and U.S. evidence, Journal of Banking and Finance, 40(1), 388–402, https://doi.org/10.1016/j.jbankfin.2013.11.039.

4. Chiorazzo, V., Milani, C., and Salvini, F. (2008), Income diversification and bank performance: Evidence from Italian banks, Journal of financial services research, 33(3), 181-203.

5. Do, T. D., Pham, H. A. T., Thalassinos, E. I., and Le, H. A. (2022), The Impact of Digital Transformation on Performance: Evidence from Vietnamese Commercial Banks, Journal of Risk and Financial Management, 15(1), https://doi.org/10.3390/jrfm15010021.

6. Edirisuriya, P., Gunasekarage, A., and Dempsey, M. (2015), Australian specific bank features and the impact of income diversification on bank performance and risk, Australian Economic Papers, 54(2), 63–87, https://doi.org/10.1111/1467-8454.12043.

7. Francis, B. B., Hasan, I., Küllü, A. M., and Zhou, M. (2018), Should banks diversify or focus? Know thyself: The role of abilities, Economic Systems, 42(1), 106–118, https://doi.org/10.1016/j.ecosys.2017.12.001.

8. Githaiga, P. N. (2020), Human capital, income diversification and bank performance–an empirical study of East African banks, Asian Journal of Accounting Research, 6(1), 95–108, https://doi.org/10.1108/AJAR-06-2020-0041.

9. Lepetit, L., and Strobel, F. (2015), Bank insolvency risk and Z-score measures: A refinement, Finance Research Letters, 13, 214–224. https://doi.org/10.1016/j.frl.2015.01.001.

10. Lepetit, L., Nys, E., Rous, P., & Tarazi, A. (2008), The expansion of services in European banking: Implications for loan pricing and interest margins, Journal of Banking & Finance, 32(11), 2325-2335.

11. Luu, H. N., Nguyen, L. Q. T., Vu, Q. H., and Tuan, L. Q. (2020), Income diversification and financial performance of commercial banks in Vietnam: Do experience and ownership structure matter?, Review of Behavioral Finance, 12(3), 185–199, https://doi.org/10.1108/RBF-05-2019-0066.

12. Mostak Ahamed, M. (2017), Asset quality, non-interest income, and bank profitability: Evidence from Indian banks, Economic Modelling, 63, 1–14, https://doi.org/10.1016/j.econmod.2017.01.016

13. Najam, H., Abbas, J., Álvarez-Otero, S., Dogan, E., and Sial, M. S. (2022), Towards green recovery: Can banks achieve financial sustainability through income diversification in ASEAN countries? Economic Analysis and Policy, 76, 522–533, https://doi.org/10.1016/j.eap.2022.09.004.

14. Ngoc Nguyen, K. (2019), Revenue diversification, risk and bank performance of Vietnamese commercial banks, Journal of Risk and Financial Management, 12(3).

15. Sharma, S., and Anand, A. (2018), Income diversification and bank performance: evidence from BRICS nations, International Journal of Productivity and Performance Management, 67(9), 1625–1639, https://doi.org/10.1108/IJPPM-01-2018-0013.

16. Son, N. H., Thanh Tu, T. T., Cuong, D. X., Ngoc, L. A., and Khanh, P. B. (2015), Impact of Ownership Structure and Bank Performance – An Empirical Test in Vietnamese Banks, International Journal of Financial Research, 6(4), https://doi.org/10.5430/ijfr.v6n4p123.

17. Tan, Y. (2016),The impacts of risk and competition on bank profitability in China, Journal of International Financial Markets, Institutions and Money, 40, 85–110, https://doi.org/10.1016/j.intfin.2015.09.003.

18. Vidyarthi, H. (2020), Dynamics of income diversification and bank performance in India, Journal of Financial Economic Policy, 12(3), 383–407, https://doi.org/10.1108/JFEP-05-2019-0084.

19. Vo, D. H., and Tran, N. P. (2021), Intellectual capital and bank performance in Vietnam, Managerial Finance, 47(8), 1094–1106, https://doi.org/10.1108/MF-03-2020-0143.

20. Vo, X. V. (2020), The Role of Bank Funding Diversity: Evidence from Vietnam, International Review of Finance, 20(2), 529–536. https://doi.org/10.1111/irfi.12215.

21. Wang, C., and Lin, Y. (2021), Income diversification and bank risk in Asia Pacific, North American Journal of Economics and Finance, 57, https://doi.org/10.1016/j.najef.2021.101448.

22. Osman GÜRBÜZ, A. O., Yanik, S., and Aytürk, Y. (2013), Income Diversification and Bank Performance: E Evidence From Turkish Banking Sector, BDDK Bankacılık ve Finansal Piyasalar Dergisi, 7(1), 9-29.

23. Addai, B., Tang, W., Gyimah, A. G., and Twumasi, M. A. (2022), Income diversification and bank performance nexus: Does corruption matter? Journal of Multinational Financial Management, 65, https://doi.org/10.1016/j.mulfin.2022.100757.

24. Neely, A., Gregory, M., and Platts, K. (1995), Performance measurement system design: A literature review and research agenda. In International Journal of Operations and Production Management, 15(4), 80-116, https://doi.org/10.1108/01443579510083622.

25. Gofwan, H. (2022), Effect of accounting information system on financial performance of firms: A review of literature, Department of Accounting (Bingham University) -2nd Departmental Seminar Series with the Theme–History of Accounting Thoughts: A Methodological Approach, 2(1).

Ngày nhận bài: 8/3/2024; Ngày phản biện: 04/4/2024; Ngày duyệt đăng: 22/4/2024