Bức tranh Top 10 Công ty du lịch và Khách sạn dẫn đầu năm 2023

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023 và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023 vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố đã cho thấy, sự phục hồi ngoạn mục của các công ty lữ hành và hệ thống khách sạn dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các công ty du lịch – khách sạn có khả năng chống chịu tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, vươn lên trong bối cảnh mới và đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và các nhà đầu tư. Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023 và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023 được xây dựng dựa trên các đánh giá, xếp hạng của 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2022 đến nay; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-12/2023.

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và đón đầu xu hướng tăng trưởng mới
Nguồn: Vietnam Report, tháng 12/2023

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và đón đầu xu hướng tăng trưởng mới
Nguồn: Vietnam Report, tháng 12/2023

Ngành Du lịch – Khách sạn 2023: Năm bùng nổ thị trường khách du lịch

Điểm nổi bật trong năm 2023 là sự bùng nổ của thị trường khách nội địa và quốc tế, trong đó thị trường khách quốc tế ước tính chỉ trong 11 tháng đầu năm đã đạt 11,2 triệu lượt khách. Như vậy, dù còn tới 1 tháng nữa mới kết thúc năm, nhưng ngành Du lịch đã vượt xa mục tiêu lần 1 và đạt trên 85% mục tiêu mới. Chính sách thị thực (visa) thông thoáng tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn. Đây là một trong những lý do khiến 3 tháng gần đây khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng. Trong bối cảnh ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam đón nhận “cơn mưa” giải thưởng tại Lễ trao giải World Travel Awards 2023, được kỳ vọng là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Theo các báo cáo của thế giới, dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt, khi tình hình thế giới trong năm có nhiều biến động như xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn với giá cả phù hợp. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và đón đầu xu hướng tăng trưởng mới
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, thị trường du lịch nội địa cũng tỏ ra không hề kém cạnh, khi 11 tháng đầu năm khách nội địa đạt 103,2 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng qua ước đạt 616 nghìn tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34 nghìn tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia du lịch, mức tăng trưởng này đạt được nhờ nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, trong thời gian vừa qua, cũng diễn ra nhiều sự kiện nổi bật giúp thu hút lượng du khách lớn. Ngoài những kỳ nghỉ dài ngày như 30/4-1/5, Quốc khánh 2/9, thì còn có nhiều hoạt động sôi nổi ở các địa phương như: Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17; Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023; Kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa; Lễ hội Thành Tuyên 2023; Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn… Để kích cầu du lịch, công ty du lịch, ứng dụng du lịch và cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tiếp liên tiếp tung ra chương trình giảm giá, khuyến mại, nhằm tái tạo lại thói quen đi du lịch của khách. Theo khảo sát của Vietnam Report, 78,6% số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng lên so với năm 2022, trong đó, 14,3% doanh nghiệp có mức tăng đáng kể. Đối với chỉ tiêu về lợi nhuận, 71,4% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng, trong đó, nhóm khách sạn có mức tăng trưởng về lợi nhuận cao hơn với 85,7% doanh nghiệp ghi nhận.

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và đón đầu xu hướng tăng trưởng mới
Nguồn: Báo cáo ngành Bất động sản của Savills

Sự tăng trưởng của thị trường khách du lịch tạo ra những tác động tích cực tới khách sạn. Thị trường này đã bước đầu hồi phục so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy, sự tăng trưởng so với năm 2022 ở công suất và giá phòng. Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung đạt 15.641 phòng, công suất phòng đạt trung bình 58% với mức giá 1,9 triệu đồng/phòng/đêm. Đối với thị trường Hà Nội, nguồn cung đạt 10.962 phòng, công suất phòng ở mức 61% với giá 2,7 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 22% theo năm, mức giá này đã vượt mức giá của năm 2019 (chỉ với 2,5 triệu đồng/phòng/đêm). Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 71,4% khách sạn cho biết, tổng số lượt khách phục vụ tăng trên 100% so với năm 2022, cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường khách sạn tại Việt Nam

Triển vọng ngành Du lịch – Khách sạn năm 2024

Ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế trong tháng cuối cùng của năm 2023 và cả năm sẽ đạt mục tiêu đón 12,5-13 triệu lượt khách. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2024, ngành Du lịch hoàn toàn có thể thực hiện được con số 14-15 triệu lượt khách nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh. Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn của Vietnam Report cũng có kết quả tương đồng với dự báo của các chuyên gia, khi có đến 66,7% số doanh nghiệp cho rằng, triển vọng ngành Du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn một chút. Trong đó, chỉ tiêu về doanh thu là chỉ tiêu được các doanh nghiệp kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhất với 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu này sẽ tăng trong năm 2024; theo sau là lợi nhuận và lượt khách với 85,7%.

Sự tự tin này của các doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ ngày 15/8/2023, chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày. Sau khi chính sách có hiệu lực đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp. Không nằm ngoài sự kỳ vọng, chính sách nới lỏng visa thực sự đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam, khi 4 tháng liên tiếp số lượng khách quốc tế đến đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu.

Đến năm 2024, chính sách này tiếp tục được 92,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là “đòn bẩy” chính giúp du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong năm 2023, các hội chợ du lịch quốc tế như VITM Hà Nội 2023, ITE HCMC 2023… được giới chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao. Đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá, các hội chợ, triển lãm du lịch là cơ hội tốt để tìm kiếm thị trường mới, thiết lập quan hệ, cũng như nắm bắt các xu hướng du lịch của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Tiếp đà tăng trưởng này, chương trình xúc tiến, hội chợ triển lãm quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong năm 2024 tiếp tục được 57,1% doanh nghiệp coi là cơ hội trong năm 2024.

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và đón đầu xu hướng tăng trưởng mới
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn, tháng 10-12/2023

Dự báo xu hướng du lịch năm 2024

Du lịch bền vững lên ngôi

Du lịch bền vững là vấn đề đang được nói đến rất nhiều tại Việt Nam và cũng đang trên đà tăng trưởng. Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng về xu hướng du lịch 2023 của Vietnam Report, có đến 96,7% người trả lời đã từng nghe về du lịch bền vững, con số này cao hơn hẳn năm 2022 với 75,3%. Trong 11 tháng đầu năm 2023, số lượt tìm kiếm của hai điểm đến Ninh Bình và Hội An đã tăng đột biến so với năm 2022. Những điểm đến này được ưa chuộng vì vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, chỗ ở thân thiện với môi trường, trải nghiệm hòa mình với người dân bản xứ và sự hỗ trợ các sáng kiến bền vững, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với trải nghiệm du lịch xanh. Dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn trong năm 2024, nhưng du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ để giảm những ảnh hưởng có hại đến thiên nhiên, di sản văn hóa địa phương.

Đáng chú ý, có đến 78,7% du khách sẵn sàng chi trả thêm cho dịch vụ lưu trú, 75,4% cho dịch vụ tham quan và 73,8% cho dịch vụ ăn uống. Trong đó, du khách đặc biệt quan tâm đến các cơ sở lưu trú được cấp nhãn Du lịch bền vững Bông Sen Xanh, các cơ sở lưu trú có các chương trình hay quỹ liên quan đến trách nhiệm xã hội cũng nhận được lượng đặt phòng tăng vọt trong năm. Nhận thấy du khách Việt có cách nhìn nhận tích cực, có ý thức phát triển du lịch bền vững, các khách sạn trong nước tích cực đưa ra các chính sách bảo vệ, duy trì vùng biển, bãi cát và cảnh quan tự nhiên. Nhiều khách sạn đã sử dụng hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo chất lượng, kiểm soát thức ăn thừa, sử dụng chất tẩy hữu cơ từ bồ hòn… Cộng đồng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tham gia tích cực vào xu hướng du lịch bền vững này, khi ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội…, qua đó, kết hợp giữa thưởng thức thiên nhiên và nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.

Du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp – “mỏ vàng” chưa được khai thác

Theo Business Insider, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6.000 tỷ USD trong năm nay. Còn Grand View Research nhận định, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Kết quả khảo sát của Global Wellness Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Yale -Mỹ) cho thấy, có đến 76% người được hỏi muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngoài ra, ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh, điều hòa cơ thể. Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch suối khoáng nóng. Trong đó, nhiều khu nghỉ dưỡng cung cấp các lớp thiền định, yoga chữa lành, hội thảo giảm căng thẳng và thậm chí cả tư vấn liệu pháp giấc ngủ. Việc kết hợp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh và có nguồn gốc địa phương đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều khách sạn, vì khách hàng ngày càng có ý thức hơn về lựa chọn chế độ ăn uống của mình.

Du lịch MICE (Meetings, Incentives, Conferences, Exhibitions) – loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo với tham quan, nghỉ dưỡng…

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch MICE là loại hình du lịch rất phổ biến trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đi đầu về loại hình du lịch này. Trong khi đó, ở Việt Nam loại hình du lịch này còn khá mới, tuy nhiên đang được chú trọng phát triển và có nhiều tiềm năng mang về nguồn thu lớn cho toàn ngành. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng, du lịch MICE sẽ trở thành xu hướng của năm 2024. Theo số liệu thống kê ước tính từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong nước, khách MICE chiếm khoảng từ 15 – 20% tổng lượng khách và có thời điểm lên đến 60% đối với một số đơn vị du lịch lớn trong giai đoạn cao điểm. Có khoảng 20% khách MICE đến từ thị trường châu Âu, đây chính là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu lớn, từ 700 – 1.000 USD/ngày. Trong khi đó, dòng khách MICE đến từ thị trường châu Á chi tiêu khoảng 400 USD/ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD. Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm và có sự đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch phức hợp phục vụ nhu cầu đa dạng của khách MICE. Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những địa điểm tổ chức du lịch MICE được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm

Ngành Du lịch đang trên đà phục hồi sau đại dịch, trong đó mô hình du lịch mạo hiểm có sự tăng trưởng mạnh về lượng khách nội địa. Trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, các chuyên gia trong ngành chia sẻ rằng, khi du khách đã đi hết về chiều rộng, họ sẽ có xu hướng đi về chiều sâu. Có thể lý giải câu nói này như sau: du khách đã đi hết 63 tỉnh, thành của Việt Nam, nên nhu cầu của họ sẽ thay đổi theo hướng tìm hiểu, trải nghiệm sâu hơn về văn hóa, ẩm thực và đời sống của địa điểm du lịch đó. Trải nghiệm ở đây có thể hiểu là du khách muốn tương tác nhiều hơn với điểm đến, tìm hiểu sâu hơn về hệ sinh thái, thảm thực vật; kết nối và tương tác với cộng đồng người dân địa phương nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường, các công ty du lịch đang phối hợp chặt chẽ với ban quản lý điểm đến để tạo ra các sản phẩm du lịch trekking, mạo hiểm mới. Ngoài ra, các công ty du lịch đang nỗ lực tiếp cận theo chiến lược của Thomas Cook, để tạo ra các tour du lịch mạo hiểm thám hiểm các vùng đất mới mà các doanh nghiệp khác khó có thể làm theo được, từ đó gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình./.