Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban soạn thảo vừa chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH).

Tạo xung lực mới cho TP. Hồ Chí Minh phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, căn cứ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh đã rõ (ảnh: MPI)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết; thường xuyên cập nhật, báo cáo Thủ tướng về các nội dung có liên quan…

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trình bày nội dung chính của dự thảo Nghị quyết và cho biết, Dự thảo đưa ra các nhóm cơ chế, chính sách, bao gồm các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các chính sách đã có trong dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới.

Tạo xung lực mới cho TP. Hồ Chí Minh phát triển
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiều nhóm cơ chế, chính sách (ảnh: MPI)

Thảo luận, góp ý đối với dự thảo Nghị quyết, các thành viên Ban soạn thảo bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, qua đó tạo động lực phát triển Thành phố nhằm giữ vững và phát huy vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời tập trung cho ý kiến đối với các cơ chế, chính sách cụ thể về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền…

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, căn cứ xây dựng Nghị quyết đã rõ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rất rõ vai trò, sứ mệnh của TP. Hồ Chí Minh, cực tăng trưởng của vùng động lực; là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế.

Theo đó, việc xây dựng Nghị quyết phải đáp ứng theo đúng chủ trương, yêu cầu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các cơ chế, chính sách phải cụ thể, đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chủ trương của Đảng; phải nghiên cứu thấu đáo, có tính đột phá, đổi mới, giải quyết những vấn đề lớn, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực, xung lực mới cho TP. Hồ Chí Minh phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Thành phố với vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho đất nước; các chính sách đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho ý kiến cụ thể đối với các nhóm cơ chế, chính sách được nêu và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan Thường trực của Ban Soạn thảo) để rà soát, nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định…/.