Mục đích thảo luận nhằm chia sẻ một số thông tin, kết quả tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trong thời gian qua, trọng tâm là các hoạt động công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tại Việt Nam
Đối thoại “Tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam”

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ bổ trợ tư pháp là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Việt Nam nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Các phương thức giải quyết tranh chấp như công chứng, trọng tài và hoà giải thương mại có nhiều ưu thế so với thủ tục tố tụng truyền thống tại toà án, đảm bảo nhu cầu tiết kiệm về chi phí và thời gian.

Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động công chứng, hoà giải và trọng tài thương mại cũng phải phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Chất lượng cung cấp dịch vụ và tính chuyên nghiệp của hoạt động chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và xã hội; hoà giải và trọng tài thương mại còn chưa được sử dụng như những biện pháp hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp… Vì vậy, việc tăng cường hiệu quả trong hoạt động công chứng, hoà giải và trọng tài thương mại góp phần quan trọng trong đẩy mạnh cải cách pháp luật và tư pháp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Bổ trợ tư pháp là lĩnh vực có vị trí quan trọng, góp phần vào việc bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ bổ trợ tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Trong các dịch vụ bổ trợ tư pháp, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt.

Công chứng viên thực hiện hoạt động công chứng theo ủy nhiệm của Nhà nước, đã góp phần nâng cao tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, trong đó có các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em… Trọng tài và hòa giải thương mại là các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR), do các bên thỏa thuận để giải quyết tranh chấp. Các phương thức giải quyết tranh chấp này có nhiều ưu thế so với thủ tục tòa án truyền thống, tiết kiệm về chi phí và thời gian.

Với định hướng xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó. Hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, trong thời gian các quy định pháp luật về các lĩnh vực công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại đã từng bước được hoàn thiện, trực tiếp là Luật Công chứng năm 2014, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ, tăng cường năng lực cho các tổ chức và cán bộ bổ trợ tư pháp đáp ứng với nhu cầu của người dân và xã hội. Trên cơ sở các quy định pháp luật được hoàn thiện, hoạt động công chứng, hòa giải và trọng tài thương mại đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Công tác quản lý nhà nước cũng ngày càng đi vào chiều sâu, có sự phối hợp giữa các cơ quan để triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động trong bối cảnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, các hoạt động công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại ở Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức như: chất lượng cung cấp dịch vụ và tính chuyên nghiệp của hoạt động chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và xã hội; hòa giải và trọng tài thương mại còn chưa được người dân sử dụng như những biện pháp hiệu quả trọng giải quyết các tranh chấp…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các dịch vụ bổ trợ tư pháp, trọng tâm là công chứng, trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia các cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả các tổ chức hành nghề cung cấp các dịch vụ trong những lĩnh vực này.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về chính sách, pháp luật về công tác trọng tài thương mại, hoà giải, công chứng; các giải pháp khắc phục khó khăn trong thực tiễn hoạt động cung cấp các dịch vụ bổ trợ tư pháp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động công chứng, trọng tài và hoà giải thương mại…

Các ý kiến thảo luận chia sẻ đóng góp này là cơ sở quan trọng để các cơ quan Việt Nam hoạch định và thực thi các chính sách về phát triển các lĩnh vực hoạt động này trong thời gian tới. Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, Bộ cùng với các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị cũng như sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức quốc tế, giúp cho các cơ quan của Việt Nam trong hoạch định và thực thi các chính sách về phát triển và nâng cao hiệu quả các dịch vụ công chứng, trọng tài, hòa giải thương mại nói riêng và bổ trợ tư pháp nói chung trong thời gian tới./.