2 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam

Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ chia sẻ tại sự kiện (ảnh: Đức Trung)

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, hoạt động đào tạo được tài trợ bởi USAID với ngân sách khoảng 2 triệu USD. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế châu Á của USAID, với mục tiêu tổng thể là phân tích, thiết kế và triển khai các dự án/hoạt động thí điểm trong tất cả các lĩnh vực để phát triển kinh tế, trong đó bao gồm phát triển nguồn nhân lực 4.0.

Tại Việt Nam, chia sẻ với các đối tác tham dự sự kiện Công bố chương trình USAID WISE sáng ngày 1/10/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong TOP 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.

Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (ảnh: Đức Trung)

Thứ trưởng chia sẻ, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược cho Đảng và Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh, quản lý sáng tạo.

Đến nay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hậu COVID-19.

Với quan điểm đó, Thứ trưởng khẳng định, việc hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thực hiện hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp” (WISE) là hết sức cần thiết, kịp thời để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 và hướng tới nền kinh tế số ở Việt Nam.

5 mục tiêu cơ bản của dự án USAID WISE

Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam
Theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động WISE nhằm thực hiện được 5 mục tiêu cơ bản (ảnh: Đức Trung)

Theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động WISE nhằm thực hiện được 5 mục tiêu cơ bản: (1) Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên và đối tượng mới gia nhập thị trường lao động; (2) Xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo nâng cao và đào tạo lại về kỹ năng số; (3) Thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính sáng tạo cho giáo dục; (4) Nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (5) Xây dựng, vận hành hiệu quả Chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0.

Theo đó, WISE cần sự tham gia của 3 đối tượng: Cung (các cơ sở đào tạo), Cầu (người sử dụng lao động), Các bên trung gian (các đối tác tài chính, các tổ chức hỗ trợ tuyển dụng và các bên liên quan khác quan tâm). Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc dự án USAID WISE tại Việt Nam cho biết, Dự án xây dựng một diễn đàn mở, kết nối các chủ thể quan tâm và có khả năng đóng góp cho công tác đào tạo nhân lực cùng tìm kiếm cơ hội, hợp tác để thực thi các mục tiêu đã định. Dự án có thời hạn 2 năm tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định, thế giới đang bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những thay đổi rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lan tỏa rộng khắp trên mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Thứ trưởng đặt niềm tin, dự án WISE sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, bởi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, số lượng sử dụng internet cao, tiếp cận nhanh với công nghệ. “Đây là lợi thế để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và công nghệ số, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số, tận dụng được những thành quả của cuộc CMCN 4.0”, Thứ trưởng nói.

Thời cơ vàng để Việt Nam phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo

Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam
Trong 2-3 năm tới, Việt Nam có cơ hội vàng nếu đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực

Đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thương rất lớn cho loài người trên toàn cầu, nhưng lại tạo một động lực chưa từng có cho việc phát triển các ngành kinh tế mới, dựa trên AI và công nghệ. Tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia của dự án đánh giá rằng, đang có 2 hệ thống kinh tế cùng hoạt động. Một là hệ thống kinh tế truyền thống (dệt may, da giày, đồ gỗ…) cạnh tranh bằng chi phí thấp, bằng lao động dồi dào. Hai là hệ thống các ngành kinh tế mới, lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt, giá trị. “Để Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn, việc tạo sự kết nối, thúc đẩy 2 hệ thống kinh tế này hòa nhập vào nhau, tận dụng năng lực của nhau là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đang bước rất nhanh trong phát triển hệ thống kinh tế mới”, ông Phạm Vinh Quang, Giám đốc dự án USAID WISE chia sẻ.

Nhân lực là chìa khóa quan trọng nhất trong việc tạo nên sự kết hợp của 2 hệ thống kinh tế đang vận hành tại Việt Nam. Dự án USAID WISE sẽ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đang trong tuổi lao động hoặc các sinh viên mới ra trường, để giúp họ cải thiện kỹ năng, nắm bắt tri thức của hệ thống kinh tế mới, từ đó tìm kiếm được việc làm tốt hơn, góp sức cho các doanh nghiệp, các tổ chức họ làm việc trở nên hiệu quả hơn.

Ông Vũ Duy Thức, sáng lập OhmniLabs nhận định, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có cơ hội vàng nếu đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực. Nếu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu là các nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới về đổi mới, sáng tạo thì Việt Nam có lợi thế về sự học hỏi, về lực lượng dân số trẻ, thông minh và đặc biệt là Nhà nước có chiến lược, mục tiêu rõ ràng trong 5-10 năm tới về phát triển khoa học công nghệ, về AI. Ông Thức cho rằng, trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam có thể đi từ nền tảng đào tạo nhân sự AI, bởi AI được sử dụng cho nhiều lĩnh vực, có khả năng tạo ra các dịch vụ làm thay đổi vị thế kinh doanh, có thể tạo ra các sản phẩm mới, tạo sự khác biệt. Thời cơ để Việt Nam phát triển nhân lực, xây vị thế cạnh tranh chính là lúc này, bởi nếu chậm đầu tư cho nguồn nhân lực, các quốc gia trong cùng khu vực có thể sẽ có bước tiến nhanh hơn, khi đó, sẽ rất khó để chúng ta bắt kịp và song hành.

Thế giới thay đổi rất nhanh, 5-10 năm trở lại đây lại vô cùng nhanh. Trong bối cảnh hiện nay, liệu ngành công nghệ thông tin Việt Nam có cơ hội tạo bước nhảy vọt không? Ông Đỗ Hoàng đến từ FPT Software lạc quan rằng, Việt Nam chắc chắn có cơ hội. “Thế giới hiện nay không còn cảnh công ty to nuốt công ty bé, mà là công ty nào sở hữu công nghệ khác biệt, hoặc đi nhanh hơn thì sẽ thắng. Đây chính là cơ hội vàng cho Việt Nam đào tạo nhân sự”, lãnh đạo FPT Software chia sẻ./.

“Dự án USAID WISE được công bố vào thời điểm rất có ý nghĩa…”

Thời cơ vàng phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo Việt Nam
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)

Dự án USAID WISE được công bố vào một thời điểm rất có ý nghĩa khi NIC tròn 2 năm hoạt động (2/10/2019-2/10/2021). Là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, một trong những chức năng nhiệm vụ của NIC là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được mục tiêu đổi mới sáng tạo. Chúng tôi rất mong có sự hợp tác của tất cả các đối tác, doanh nghiệp, chuyên gia có liên quan để quá trình hoạt động của dự án USAID WISE đạt kết quả tốt nhất.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân, của cả nền kinh tế. Dự án USAID WISE hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu đổi mới, phù hợp với Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã định hướng 5 mục tiêu lớn của dự án, tôi muốn chia sẻ rõ hơn về sự khác biệt trong hoạt động của USAID WISE.

Thứ nhất, WISE tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực tại Việt Nam nhằm nâng cao, định hướng lại nghề nghiệp cho người lao động, giúp họ thích ứng, hòa nhịp với các công việc trong nền kinh tế hiện đại. Thứ hai, quá trình đào tạo, hỗ trợ của dự án sẽ giúp người lao động có sự chọn lựa nghề nghiệp theo năng lực và khả năng cống hiến cho công việc. Thứ ba, dự án USAID WISE sẽ phát triển nguồn nhân lực dựa vào nhu cầu thực tế từ thị trường, đặc biệt, chúng tôi sẽ thu hút sự tham gia và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân. Đây là đặc điểm riêng có của WISE.

Cùng với đó, dự án USAID WISE sẽ thúc đẩy sự kết nối các nhu cầu thị trường, giữa nhà cung cấp lao động với nhà tuyển dụng và các bên liên quan. Dự án không dừng ở mô hình truyền thống như trường học, mà được tổ chức với mô hình mở, rất linh hoạt, phù hợp theo nhu cầu đào tạo của thị trường. Đây là đặc điểm quan trọng của WISE.

Sau buổi công bố hôm nay, dự án USAID WISE có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi mong các đối tác, các cơ sở đào tạo, các DN có nhu cầu sẽ cùng kết nối với dự án, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong mục tiêu chung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam./.