Kể từ khi thuật ngữ ‘nhà xuất bản săn mồi’ được đưa ra vào năm 2010, cụm từ này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và được đưa ra thảo luận ở hàng trăm bài báo học thuật. Các ‘nhà xuất bản săn mồi’ chấp nhận các bài báo – cùng với phí xuất bản rất cao – mà không thực hiện phản biện học thuật, hay thậm chí là không kiểm tra cả các vấn đề cơ bản như đạo văn hay phê duyệt đạo đức.

Thủ đoạn lừa đảo mới của các “nhà xuất bản săn mồi”: Đánh cắp bài viết và thay đổi thông tin!

Minh họa bởi David Parkins

Vào năm 2018, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã giành được phán quyết trị giá 50 triệu USD đối với Nhà xuất bản OMICS của Ấn Độ vì các hành vi kinh doanh lừa đảo. Cuộc điều tra của FTC cho thấy, OMICS đã chấp nhận và xuất bản gần 69.000 bài báo học thuật với rất ít hoặc không thực hiện phản biện. Cố vấn khoa học chính của Chính phủ Ấn Độ Krishnaswamy VijayRaghavan đã than thở về khó khăn trong việc dập tắt “mối đe dọa” từ các “nhà xuất bản săn mồi”. Ông ví đây như… Hydra – sinh vật trong thần thoại Hy Lạp, từ chỗ bị đứt sẽ mọc ra hai chiếc đầu mới.

Để có cái nhìn rõ hơn về ‘con quái vật nhiều đầu’ này, Kyle Siler và cộng sự từ Đại học Montreal, Canada đã xây dựng cơ sở dữ liệu Lacuna về các nhà xuất bản chưa được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu chọn lọc, như Web of Science hoặc Scopus [1]. Hiện tại, cơ sở dữ liệu này đã chỉ mục hơn 900.000 bài báo trên 2.300 tạp chí từ 10 nhà xuất bản. Thông qua bộ dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những ‘chiếc đầu mới’ của ‘con quái vật nhiều đầu này’.

Thủ đoạn chôn vùi thương hiệu “săn mồi” để tái bản các bài báo có nguồn gốc chính thống

Vào năm 2020, OMICS đã thay đổi hàng trăm URL và đại tu các trang web cũng như cách sắp chữ để xóa bỏ các mối liên hệ đến OMICS. Các bài báo được OMICS xuất bản từ nhiều năm trước thì nay lại chỉ liên quan đến các nhà xuất bản mới mà không có bất kỳ đề cập nào đến OMICS. Trong 737 tạp chí được liệt kê trên trang web OMICS, hơn 80% (600) tạp chí được đổi thành thương hiệu của các tổ chức công ty riêng biệt. Trong đó, nổi bật nhất là Nhà xuất bản Longdom có địa chỉ tại Tây Ban Nha và Bỉ; Nhà xuất bản iMedPub LTD đặt trụ sở tại Vương quốc Anh. Số lượng các tạp chí phát triển nhanh hơn so với số lượng xuất bản cho thấy rằng, nhiều tạp chí chỉ là lớp vỏ. Hơn nữa, nội dung được các công ty này xuất bản đã lỗi thời.

Một chiến thuật mà các tạp chí săn mồi đã sử dụng là tái xuất bản các bản sao của các bài báo từ các nguồn chính thống, theo DOI mới, mà không ghi nhận tạp chí gốc và đôi khi không phải là tác giả gốc. Có ít nhất chín bài báo Trên tạp chí Journal of Bone Research and Reports của Elsevier được tái bản dưới nhãn hiệu iMEDPub LTD. Manh mối đầu tiên là từ tên tác giả. Các bài báo tái bản này xuất hiện bằng những cái tên kỳ lạ của tác giả, chẳng hạn như “trung tâm đô thị” và “nghị sĩ”; nhiều tên tác giả xuất hiện thêm một số ký tự phụ như “John Smitha” thay cho “John Smith”.

Một số bài báo đã được đạo văn hoàn toàn từ nguồn Elsevier, với sự khác biệt duy nhất là các câu được biên soạn lại. Trong các trường hợp khác, các từ trong bài báo của Elsevier được thay thế bằng các từ đồng nghĩa, chủ ý là tạo sự khác biệt và tránh bị phát hiện đạo văn. Nhiều thay thế phức tạp hơn như các từ viết tắt được diễn giải không chính xác, ví dụ: từ “sd” được viết thành “Mount Rushmore State” (biệt hiệu của tiểu bang South Dakota của Hoa Kỳ) thay vì “độ lệch chuẩn” (Standard Deviation).

Trả lại sự tích cực cho cộng đồng khoa học, cách nào?

Xuất bản theo kiểu săn mồi ngày càng phát triển mạnh trong bối cảnh các tạp chí có uy tín thu phí xuất bản vẫn phải chịu áp lực lớn về việc xuất bản. OMICS chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của một mô hình kinh doanh gian lận đang phát triển nhanh chóng. Việc tạo các trang web mới dưới các thương hiệu khác nhau rất rẻ, dễ dàng và mang lại lợi nhuận. Chi phí biên tập của việc xuất bản trực tuyến thấp, cho phép các tạp chí lừa đảo hoạt động từ bất cứ đâu, đặc biệt là những nơi hoạt động kinh doanh của họ có thể không bị trừng phạt do nhiều quốc gia chưa có các chế tài nghiêm ngặt.

Để đánh bại “con Hydra” này, cần cả những thay đổi mang tính hệ thống đối với hệ thống xuất bản học thuật, thay vì đặt thêm gánh nặng giám sát lên cá nhân học giả [2-4]. Các tiêu chí mới về tính hợp pháp có thể ngăn các tạp chí nổi bật, có chủ đích tốt khỏi bị phân loại sai [5,6]. Thể chế hóa các con đường dẫn đến tính hợp pháp cho các nhà xuất bản mới sẽ giảm bớt rào cản gia nhập cho các học giả và các tổ chức. Nhiều trường đại học và các nhà tài trợ đã và đang vô tình “cung cấp” nguồn sống cho các “nhà xuất bản săn mồi” khi họ đặt hiệu suất xuất bản và sử dụng các số liệu thiếu thông tin để đánh giá chất lượng. Nếu các nhà tài trợ và các trường đại học đặt ra yêu cầu rằng, sự hỗ trợ hay phí xuất bản chỉ có thể trả cho các tạp chí tuân thủ quy tắc minh bạch thì loại “tạp chí săn mồi” sẽ “cạn nguồn năng lượng”. Từ đó, mang tới những sự thay đổi tích cực cho cộng đồng khoa học.

Tài liệu tham khảo:

[1] Siler K, Vincent-Lamarre P, Sugimoto C, & Larivière V. (2021). Predatory publishers’ latest scam: bootlegged and rebranded papers. Nature, 598(7882), 563-565. doi: 10.1038/d41586-021-02906-8

[2] Vuong QH. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature, 582(7811), 149.

[3] Vuong QH. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2(1), 5.

[4] Vuong QH. (2019). Breaking barriers in publishing demands a proactive attitude. Nature Human Behaviour, 3(10), 1034.

[5] Grudniewicz A et al. (2019). Predatory journals: no definition, no defence. Nature, 576(7786), 210-212. doi: 10.1038/d41586-019-03759-y

[6] Bagues M, Sylos-Labini M, & Zinovyeva N. (2019). A walk on the wild side: ‘Predatory’ journals and information asymmetries in scientific evaluations. Research Policy, 48(2), 462-477. doi: 10.1016/j.respol.2018.04.013