Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn: Không nên bỏ phí nguồn lực này

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, trước mắt xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. “Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khả năng đáp ứng các nhu cầu về nhân lực chủ yếu là đi vào đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn. Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 12 tháng.

Ngoài ra, nhân lực cũng được xác định là “lõi” để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Phải có thỏa thuận quốc gia cung cấp nguồn nhân lực mới bảo đảm thành công đề án nhân lực. “Đào tạo nhân lực cũng phải dựa trên tín hiệu thị trường, đặc biệt có các thỏa thuận doanh nghiệp và thảo thuận của các quốc gia”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý.

Góp ý về Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chúng ta đang có tư duy và tầm nhìn xa, điều này đòi hỏi phải hành động mau lẹ hơn cùng với những công việc cụ thể với 3 vấn đề cốt lõi mà như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu, trong đó vấn đề lớn nhất đó là yếu tố con người”.

Về vấn đề lựa chọn lĩnh vực để tập trung đào tạo, Bộ trưởng lưu ý rằng, phải tính toán trên cơ sở cung và cầu, để tính toán cho phù hợp, không nên tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.

Ông cũng đồng tình với việc xác định nội hàm đào tạo và đối tượng đào tạo trong Đề án là đại học và trên đại học, “nhưng chúng ta cũng phải tính toán để có hướng đi phù hợp cho từng giai đoạn; cũng cần tập trung vào 5 vấn đề: đào tạo cơ bản dài hạn, đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, đào tạo trực tiếp”.

“Thực tiễn chúng ta có nhiều trường cao đẳng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn; đề nghị không nên bỏ phí nguồn nhân lực này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, trước mắt xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Ảnh: VGP

Còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đây là trách nhiệm và sứ mệnh lớn của ngành, là cơ hội để phát triển các trường đại học.

Hiện nay, trong các trường đại học, hai nhóm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử viễn thông và công nghệ thông tin có số sinh viên đang đào tạo bậc cử nhân và kỹ sư là 131.000, bậc thạc sĩ là 5.500 người, và có hơn 400 nghiên cứu sinh. “Nếu chúng ta điều phối tốt thì có số này sẽ đem đến sự đột biến khá nhanh chóng. Trước mắt, trên cơ sở số nhân lực này, chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp FDI. Do đó, việc chuyển đổi trong mô hình ngắn hạn là thích hợp và có thể cung cấp được nguồn lực nhanh chóng mà doanh nghiệp cần”, Bộ trưởng Sơn cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, con số này chỉ là tiềm năng, còn thực tế thì rất biến hóa. Bởi vì số nhân lực đào tạo trong lĩnh vực điện tử thì một số chưa tốt nghiệp, nhưng năm cuối đã được các doanh nghiệp đón đi làm. Cho nên con số 131.000 sinh viên là tính trên lý thuyết, còn thực tế cần tính toán lại.

“Bên cạnh việc đào tạo ngắn hạn, chúng ta cũng phải tính đến việc đào tạo chính quy đúng ngành một cách dài hạn. Đồng thời cũng phải tính rất sát đến nhu cầu sử dụng lao động thực của các doanh nghiệp. Nếu tính không đúng sẽ dẫn đến cung – cầu lệch nhau”, Bộ trưởng lưu ý.

Mặt khác, đào tạo chính quy chuyên sâu và dài hạn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch thì phải tính đến mục tiêu dài hạn, mang tầm Quốc gia.

Bộ cũng đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tích cực tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn cho năm học 2024 này. Hiện nay các trường đại học dự kiến quy mô tuyển sinh 4.000 kỹ sư, 750 thạc sĩ, 60 nghiên cứu sinh và dự kiến sẽ đào tạo bồi dưỡng để chuyển đổi ít nhất 1.700 người.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, nhân lực tham gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thì trình độ kỹ sư mới chỉ là bước đầu. Còn việc thiết kế vi mạch bán dẫn lại đòi hỏi trình độ thạc sĩ và cao hơn nữa.

“Có thể nói ở thời điểm này, các trường đại học đã nhập cuộc một cách chủ động, tích cực, sẵn sàng, với tinh thần quyết tâm rất cao”, Bộ trưởng nói thêm.

Phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể

Tại Hội nghị, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam Phùng Việt Thắng cho biết, ở các quốc gia đã phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là các công ty toàn cầu như Intel, đang có những nhu cầu mới cần thay đổi và việc vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn là cơ hội đặc biệt.

Để làm được điều đó, theo ông Thắng, Việt Nam cần những chiến lược rất bài bản, sâu sát nhưng đồng thời chúng ta cũng không có nhiều thời gian. “Vì vậy, phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chiến lược này liên quan đến rất nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ… Trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi một công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau.

Vì vậy, theo ông Thắng, dù chúng ta có một chiến lược chung để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn đi chăng nữa thì cũng cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực mà chúng ta cần phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.

“Như các Bộ trưởng đã chia sẻ, có vẻ như chúng ta sẽ có lợi thế khi đi vào những công đoạn bán dẫn không đầu tư quá nhiều về tài chính mà đầu tư về con người thì sẽ phù hợp hơn”, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam nói.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, bán dẫn và IA là hai lĩnh vực không tách rời nhau và nếu chúng ta có chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn thì cũng cần có chính sách cụ thể để phát triển IA đi cùng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển và đi trước về bán dẫn, cho nên đây cũng là một lực kéo rất là tốt cho IA phát triển.

Và lưu ý thêm, nguồn nhân lực ở nước ngoài cũng vô cùng quan trọng có thể giúp Việt Nam vừa đảm bảo chất lượng đã được kiểm chứng ở trên thị trường toàn cầu đồng thời cũng rút ngắn được thời gian để chúng ta có thể bắt kịp được năng lực của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và phục vụ cho nhu cầu trong nước.

“Vì vậy cần phải có chính sách để thu hút nguồn lực nhập khẩu này”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có
Các đại biểu tham gia Hội nghị. Ảnh: VGP

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau một buổi làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn đã cơ bản hoàn thành chương trình và nội dung đề ra.

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đồng tình cao với chủ đề hội nghị, thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tế, khả thi, Thủ tướng giao VPCP, Bộ KH&ĐT tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện Thông báo kết luận sau hội nghị.

Thủ tướng cơ bản thống nhất với báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu, nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Theo Thủ tướng, đào tạo nhân lực là một trong 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn gồm: Xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển.

Về nhận thức, Thủ tướng chỉ rõ: Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đào tạo nhân lực; quan điểm xuyên suốt trong phát triển đất nước là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển; phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu; phát triển ngành bán dẫn sẽ kéo theo các ngành phụ trợ khác.

Về chủ trương, chính sách, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế-xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu: “Tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030”.

Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT (Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 7/8/2023) chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; giao Bộ TT&TT xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022), xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Khu công nghệ cao TPHCM, Hòa Lạc và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.

Nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000-100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.

Về các địa phương, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có quá trình lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, trên đây là những điều kiện, nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao.

Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm:

Thứ nhất, coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đa dạng hóa mọi nguồn lực, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước – xã hội – thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư.

Thủ tướng khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.

Thứ hai, đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất…

Thứ ba, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.

Thứ tư, phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài.

Thứ năm, huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với cơ chế, chính sách phù hợp; phối hợp với các địa phương trong triển khai; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong nước.

Bộ TT&TT khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Bộ GD&ĐT lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành…

Bộ KH&CN thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp lĩnh vực chip bán dẫn; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước ngoài nhằm tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong ngành bán dẫn; nghiên cứu thúc đẩy hình thành thị trường lao động bán dẫn trong thị trường lao động nói chung.

Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ đào tạo, thu hút nhân lực bán dẫn, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm.

Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách visa, tạo thuận lợi thu hút chuyên gia nước ngoài trong ngành bán dẫn nói riêng và đào tạo nhân lực nói chung.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan, như các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh… tham gia triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ứng dụng, phục vụ cho an ninh quốc phòng.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước triển khai Đề án, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chính sách xem xét và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về cơ chế tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn; chính sách cho vay ưu đãi cho sinh viên để thu hút, khuyến khích học tập, nâng cao kĩ năng trình độ phục vụ công việc.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, HĐND về bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.

Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia hình thành thị trường nhân lực bán dẫn, tích cực tham gia đóng góp thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở đào tạo về nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng Nhà nước để hỗ trợ triển khai Đề án.

Thủ tướng mong muốn sau hội nghị, các chủ thể liên quan nâng cao nhận thức, hiểu rõ nhiệm vụ của mình để xác định và tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện được mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030./.