Dự thảo Nghị định bao gồm 5 chương với 47 Điều, trong đó đưa ra các quy định chung (18 Điều); các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (16 Điều); Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử (6 Điều); Thông tin đăng ký hộ kinh doanh (3 Điều); Điều khoản thi hành (4 Điều).

Đề xuất bãi bỏ quy định mã số đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Ban soạn thảo, hiện nay, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (là mã số đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh do Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp). Tuy nhiên, việc thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh theo cơ chế liên thông quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT đòi hỏi yêu cầu về việc một mã số dùng chung duy nhất là mã số hộ kinh doanh (đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế của hộ kinh doanh) được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. Do vậy, hiện nay, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đang ghi nhận song song 2 mã số của hộ kinh doanh là mã số đăng ký kinh doanh và mã số hộ kinh doanh.

Thuận lợi hóa các thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Nghị định về về Hộ kinh doanh được ban hành sẽ tạo thuận lợi cho việc đăng ký hộ kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tồn tại 2 mã số trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nêu trên là phức tạp, dễ gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc quản lý, tra soát thông tin về hộ kinh doanh. Do đó, Dự thảo Nghị định đã bãi bỏ quy định về mã số đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định về mã số hộ kinh doanh trên cơ sở kế thừa quy định này tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung phục vụ mục tiêu phối hợp quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Mã hóa ngành, nghề kinh doanh chính, không phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi

Liên quan đến nội dung này, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh (ghi tự do) trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn về việc thống kê, đánh giá đối với ngành, nghề kinh doanh phục vụ xây dựng định hướng phát triển hộ kinh doanh, đặc biệt là trong hoạch định chính sách về thuế, Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT bổ sung quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nêu trên nội dung yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.

Như vậy, so với quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, Dự thảo Nghị định đang thiết kế quy định về việc ghi ngành, nghề kinh doanh theo hướng tiến thêm một bước về cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh kê khai một ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có); đồng thời thực hiện mã hóa các ngành, nghề kinh doanh đó theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, một trong những ưu điểm của việc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định này là nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của hộ kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm theo đúng tinh thần tại Hiến pháp năm 2013, không yêu cầu hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục đăng ký và thay đổi ngành, nghề kinh doanh đối với các ngành, nghề không phải ngành, nghề kinh doanh chính hoặc/và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, trên thực tế, một số cơ quan chức năng, chuyên ngành có thể yêu cầu hộ kinh doanh phải có giấy tờ xác nhận các ngành, nghề kinh doanh mà hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh (theo quy định hiện nay thì ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo pháp luật chuyên ngành, đặc biệt trong trường hợp rà soát, kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh khi hoạt động kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, việc quy định hộ kinh doanh kê khai ngành, nghề kinh doanh tại Dự thảo Nghị định vừa đặt ra yêu cầu đối với hộ kinh doanh về việc cần tìm hiểu kỹ các quy định về ngành, nghề mà mình dự kiến hoạt động, đảm bảo đáp ứng các điều kiện khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong suốt quá trình hoạt động (nếu có), đồng thời cũng góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, việc yêu cầu mã hóa ngành, nghề kinh doanh chính theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) xuất phát từ một số lý do cơ bản.

Thứ nhất, VSIC là một hệ thống chuẩn để áp dụng chung, thống nhất cho tất cả các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thống kê… Hệ thống này được thiết kế theo chuẩn quốc tế, trên cơ sở Hệ thống ngành ISIC mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Nội hàm cụ thể của từng ngành, nghề đã được giải thích cụ thể trong VSIC, do đó việc mã hóa ngành, nghề kinh doanh theo VSIC có đóng góp tích cực trong công tác thống kê, hoạch định chính sách phát triển đối với hộ kinh doanh và sau cùng là đảm bảo quyền lợi của hộ kinh doanh trong nền kinh tế.

Thứ hai, việc hộ kinh doanh tự ghi ngành, nghề kinh doanh cũng nhằm đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của hộ kinh doanh với tư cách là một thực thể có đóng góp tích cực trong nền kinh tế. Theo đó, hộ kinh doanh vừa có thể xác định một cách chính xác ngành, nghề phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện kinh doanh, vừa có cơ hội tìm hiểu chính sách, ưu đãi để đảm bảo quyền lợi tối đa của mình khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bổ sung một số quy định trong thay đổi đăng ký hộ kinh doanh

Liên quan đến việc thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập chết, do khung khổ pháp lý hiện hành về đăng ký hộ kinh doanh đang khuyết thiếu quy định về việc xử lý đối với trường hợp chủ hộ kinh doanh chết, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định như sau: Trường hợp chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập chết, thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ hộ kinh doanh theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp giữa những người thừa kế không thỏa thuận được hoặc người thừa kế không muốn tiếp tục hoạt động hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động.

Đối với việc lập và thông báo thay đổi nội dung đăng ký địa điểm kinh doanh; tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của địa điểm kinh doanh; chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh, về cơ bản, Dự thảo Nghị định tiếp thu quy định hiện hành về hồ sơ, trình tự thông báo lập địa điểm kinh doanh tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh của địa điểm kinh doanh đối với các trường hợp: thay đổi nội dung đăng ký địa điểm kinh doanh (khi thay đổi các nội dung về tên địa điểm kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh chính của địa điểm kinh doanh, nội dung đăng ký thuế của địa điểm kinh doanh), tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của của địa điểm kinh doanh, chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được xây dựng trên tinh thần, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc định hướng phát triển hộ kinh doanh trong thời gian tới.

Đối với các trường hợp không được thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, căn cứ vào nhu cầu thực tế, trên cơ sở tiếp thu quy định về đăng ký doanh nghiệp có tính chất ổn định và cần thiết khi đi vào cuộc sống, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về các trường hợp không được thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh để Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có cơ sở phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác trong quá trình xử lý thủ tục hành chính đối với hộ kinh doanh.

Bổ sung cơ chế ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

Một trong những điểm mới cơ bản tại Dự thảo Nghị định là cho phép việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện theo một trong các phương thức là: đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, đăng ký qua dịch vụ bưu chính và đăng ký qua mạng thông tin điện tử.

Cùng với việc bổ sung 2 phương thức mới ngoài phương thức nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định cũng củng cố quy định về cơ chế ủy quyền khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký hộ kinh doanh ủy quyền cho cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, thì thành phần hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh phải bao gồm văn bản có nội dung ủy quyền tương ứng. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này được kỳ vọng là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo “sân chơi” bình đẳng cho hộ kinh doanh với các thực thể kinh tế khác khi hộ kinh doanh được quyền lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục phù hợp với điều kiện, khả năng và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Trên cơ sở thừa kế các quy định về đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, cụ thể về quy trình thực hiện khi hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh lựa chọn thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh bằng phương thức này, bao gồm: Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử sử dụng chữ ký số hoặc tài khoản định danh điện tử.

Sử dụng số định danh cá nhân trong đăng ký hộ kinh doanh

Ban soạn thảo Nghị định cho biết, nhằm đáp ứng các yêu cầu nêu tại Nghị quyết số 136/NQ-CP, ngày 27/12/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân trong đăng ký hộ kinh doanh theo hướng: Trường hợp chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh sử dụng số định danh cá nhân và đồng ý để Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sử dụng dữ liệu cá nhân lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, thì cá nhân đó không phải kê khai một số trường thông tin về cá nhân và không phải nộp bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân theo quy định.

Các trường thông tin dự kiến cắt giảm nghĩa vụ kê khai do đã khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: giới tính; dân tộc; quốc tịch; địa chỉ thường trú; địa chỉ liên lạc; số giấy tờ pháp lý của cá nhân; ngày cấp; nơi cấp; ngày hết hạn. Theo đó, 2 trường thông tin là “địa chỉ thường trú” và “địa chỉ liên lạc” theo quy định hiện tại tại các biểu mẫu về đăng ký hộ kinh doanh được sửa đổi thành “nơi thường trú” và “nơi ở hiện tại” để phù hợp với thông tin kết nối, chia sẻ giữa hai Hệ thống hiện nay.

Bỏ quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, tại điểm c, khoản 1, Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định một trong những trường hợp hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là “kinh doanh ngành, nghề bị cấm”.

Luật Đầu tư quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm: (i) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này; (ii) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này; (iii) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này; (iv) Kinh doanh mại dâm; (v) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; (vi) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; (vii) Kinh doanh pháo nổ; (viii) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, các ngành, nghề kinh doanh bị cấm là những ngành nghề pháp luật Việt Nam cấm không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam. Trường hợp, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh những ngành nghề bị cấm thì tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Về xử lý hành chính, tại khoản 3, khoản 4, Điều 16 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này”.

Về xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định về phạt tiền hoặc phạt tù đối với các hành vi kinh doanh những ngành nghề bị cấm, như : Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội môi giới mại dâm (Điều 328). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định về phạt tiền hoặc phạt tù đối với các hành vi kinh doanh những ngành nghề bị cấm, như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Khoản 40 Điều 1); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Khoản 41, Điều 1).

Theo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định, như vậy, việc xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh là “kinh doanh ngành, nghề bị cấm” đã có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác. Đồng thời, qua rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã không có quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp “kinh doanh ngành, nghề bị cấm”. Do đó, Dự thảo Nghị định xây dựng theo hướng bỏ quy định hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp “kinh doanh ngành, nghề bị cấm”./.