Thưa ông, tại sao ông cho rằng doanh nghiệp cần áp dụng “chuyển đổi kép”, có nghĩa là đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững song hành?

Như tôi vừa chia sẻ tại Diễn đàn VCSF năm nay, vai trò của doanh nghiệp không chỉ là đem đến lợi ích cho cổ đông, mà còn tạo ra tác động cho xã hội. Doanh nghiệp phát triển tốt nhờ đem đến những giá trị tốt đẹp.

Thúc đẩy “chuyển đổi kép” trong doanh nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững
Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob chia sẻ về sáng kiến thúc đẩy “chuyển đổi kép” trong doanh nghiệp tại Diễn đàn VCSF 2023

Nhằm giải quyết các thách thức về xã hội và môi trường trên toàn cầu, Chương trình Nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã chính thức được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào năm 2015. Để thực hiện thành công các mục tiêu SDGs cần có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gắn với các mục tiêu SDGs cũng có được lợi thế cạnh tranh trong dài hạn và phát triển bền vững.

Trong nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp chú trọng vào tổng lợi nhuận cổ đông (Total Shareholder Return – TSR). Tuy nhiên, để phát triển bền vững và lâu dài, doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị cho cổ đông, mà còn cần tạo ra tác động cho xã hội (Total Societal Impact – TSI). Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có tác động tích cực đến môi trường, xã hội và quản trị, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, hay biến đổi khí hậu.

Ông có thể chia sẻ cụ thể Nestlé đang thực hiện việc “chuyển đổi kép” này như thế nào?

Đối với Nestlé, việc tạo giá trị cho xã hội chính là động lực của tập đoàn hàng đầu về thực phẩm này. Tại Việt Nam, Nestlé đang thực hiện nhiều sáng kiến bền vững, nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, với các ưu tiên gồm: Phát triển thể chất và dinh dưỡng cho trẻ em, thu mua có trách nhiệm, hành động chống biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bao bì bền vững.

Nhằm góp phần thúc đẩy phong trào phát triển thể chất, khuyến khích lối sống khỏe mạnh, năng động trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi 6 – 17 nói riêng, Nestlé Việt Nam, nhãn hàng Nestlé MILO, đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Cục Thể dục Thể thao triển khai chương trình “Năng động Việt Nam”.

Mục tiêu của sáng kiến này là hỗ trợ các địa phương trong hoạt động thể chất và dinh dưỡng, cung cấp trang thiết bị thể thao trong trường học, khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ em năng vận động. Sáng kiến bao gồm chuỗi hoạt động thể thao như: Giải Bóng đá hội khỏe Phù Đổng, Giải Bóng rổ học sinh TP. Hồ Chí Minh, Giải Vovinam, Giải Bơi lội học sinh toàn thành, Trại hè năng lượng, Ngày hội Đi bộ vì thế hệ Việt Nam năng động… Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Nestlé đã phối hợp với đối tác xây dựng nền tảng số để trẻ em vẫn có thể tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe tại nhà. Đến nay, chương trình đã được triển khai đến gần 8.500 trường học tại 36 tỉnh, thành, với 5 triệu trẻ em tham gia.

Để thực hiện cam kết về thu mua bền vững, Nestlé Việt Nam đã triển khai Chương trình canh tác cà phê bền vững Nescafé Plan tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011. Cho đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 22.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, triển khai tập huấn cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao giúp tái canh diện tích cây cà phê già cỗi.

Chương trình đã góp phần giảm 20% lượng phân bón, tiết kiệm 40% lượng nước tưới trong canh tác cây cà phê, giúp người nông dân tăng từ 30-100% thu nhập nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý. Chương trình cũng áp dụng công nghệ số hóa vào việc hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ nhật ký nông hộ, giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả thông qua ứng dụng phần mềm, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ.

Đối với các vấn đề xã hội, nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế người phụ nữ là một phần quan trọng trong cách tiếp cận của Nestlé. Từ năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Nestlé Việt Nam đã hợp tác triển khai chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” tại 20 tỉnh, thành trên toàn quốc, thu hút 4.600 hội viên phụ nữ tham gia. Chương trình nhằm trang bị và tăng cường kiến thức dinh dưỡng cho hơn 1 triệu hộ dân trên cả nước, tập huấn phát triển kỹ năng kinh doanh, kiến thức chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số đến 100% hội viên, giúp khởi tạo 3.000 quầy hàng để nâng cao thu nhập cho nữ giới.

Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để áp dụng thành công việc “chuyển đổi kép” này?

Để thực hiện thành công việc “chuyển đổi kép”, đòi hỏi sự cam kết của lãnh đạo, sự liên kết của tổ chức và chuyển đổi về tư duy. Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cần song hành để đạt được các mục tiêu kinh doanh, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Doanh nghiệp nên thiết lập các chỉ số và mục tiêu rõ ràng cho chuyển đổi kép của mình, thường xuyên theo dõi và báo cáo tiến độ. Doanh nghiệp cũng nên tương tác với các bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý, để xây dựng niềm tin và hỗ trợ cho sự chuyển đổi kép. Điều này có thể bao gồm báo cáo minh bạch về hiệu suất bền vững, cũng như các hoạt động truyền thông thường xuyên.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi này, trong lộ trình thực hiện các quy định về chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với chất thải (EPR) được ban hành thời gian tới, Nestle đã chuẩn bị như thế nào để thực thi các quy định này?

Việc tái chế và tuần hoàn bao bì là cam kết quan trọng và muốn hiện thực cam kết đó cần có sự tham gia của tất cả các bên. Với Nestlé Việt Nam, bao bì bền vững là 1 trong 4 cam kết trọng điểm về phát triển bền vững. Chúng tôi có cam kết để tất cả bao bì của chúng tôi đều được thiết kế để có thể tái chế. Có thể thấy, việc Chính phủ ban hành cơ chế EPR sẽ là động lực để giúp tăng tỷ lệ tái chế và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc thực hiện EPR từ cách đây 3 năm. Vì thế với chung tôi, việc thực hiện các quy định bắt buộc về EPR không phải là thách thức. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có thể đạt được tỷ lệ tự tái chế cao nhất có thể. Tuy nhiên, với thực tế cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom, phân loại và năng lực tại chế tại Việt Nam hiện nay, vẫn sẽ còn một tỷ lệ nhất định các doanh nghiệp lựa chọn đóng phí trong ngắn hạn. Để việc thực hiện hiệu quả EPR, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ ban hành các quy định phù hợp với điều kiện thực tế và hài hòa với thông lệ quốc tế. Trong dài hạn, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực tái chế để các doanh nghiệp có thể sớm đạt được tỷ lệ tự tái chế cao nhất./.