Kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua nhiều bước phát triển mạnh mẽ như: ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000; Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) năm 2006; Việt Nam gia nhập WTO năm 2006; hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) năm 2007; hai nước cùng tham gia tham vấn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng năm 2022. Đặc biệt, ngày 10/9 vừa qua, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và cho rằng, để có được những thành quả hợp tác kinh tế thương mại tốt đẹp như vậy phải kể đến phần lớn đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua.

“Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…”, ông Hải nhấn mạnh.

Thúc đẩy hợp tác kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ về công nghiệp và năng lượng
Diễn dàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ” thu hút sự quan tâm của các tập đoàn và doanh nghiệp hai bên

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực. Một xu thế rất đáng chú ý là trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến vững chắc của các nhà đầu tư trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác và khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Xu hướng này cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng một hay nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất của nhà đầu tư Hoa Kỳ, góp phần lan tỏa cho nền kinh tế.

Cơ hội tăng cường kết nối cho doanh nghiệp hai bên

Trên cơ sở đó, “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề: Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp – năng lượng Hoa Kỳ” được tổ chức với hy vọng tạo cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước chia sẻ, thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng, cơ hội, cũng như đưa ra giải pháp, hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị, nguyên vật liệu và linh kiện cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng Hoa Kỳ.

Thúc đẩy hợp tác kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ về công nghiệp và năng lượng
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn

Tại sự kiện Diễn đàn kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng, có sự hiện diện của đại diện Tập đoàn Boeing, Tập đoàn AES, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, Tập đoàn Vin ES, đại diện Viện Năng lượng, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ VASI…

Khẳng định trước các tập đoàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây là sự kiện sẽ mang lại cơ hội quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện của chuỗi cung ứng ngành hàng không và năng lượng. Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam

Sau các phiên tọa đàm theo chuyên đề là hoạt động kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp cung ứng thiết bị phụ trợ Việt Nam và các tập đoàn công nghiệp, năng lượng Hoa Kỳ như Boeing và AES.

Đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam. Ông đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing, cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, sẽ giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Nhấn mạnh đến vấn đề năng lượng, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam và AmCham Hà Nội John Rockhold cho biết, các doanh nghiệp thành viên AmCham đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ mang các dự án điện và năng lượng chất lượng cao cũng như công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam.

Đánh giá cao sự chuyển đổi mang tính chiến lược bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đại diện Amcham cho rằng, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ năng lượng tái tao sạch với giá cả hợp lý. Chính sách ưu tiên sử dụng nguồn điện tái tạo trong tổng nguồn cung điện đang cho thấy những kết quả tốt. Tỷ lệ nguồn điện từ năng lượng tái tạo cung ứng cho người tiêu dùng Việt Nam lên tới 65%. Trong thời gian qua, có hơn 40% nguồn điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Điều này đưa Việt Nam vào top 5% các nước trên toản thế giới, xét về tỷ trọng nguồn điện tái tạo trong cơ cấu nguồn.

Nhận thấy sự chuyển mình và tiềm năng lớn mạnh này của Việt Nam, các thành viên AmCham tăng cường sự hiện diện và đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trường của nền kinh tế Việt Nam, nhờ đó Hoa Kỳ đã trở thành một trong những quốc gia có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, với các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp, nâng lượng và công nghiệp chất lượng cao. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.

Nâng chất lượng hợp tác các dự án trong lĩnh vực năng lượng

Đại diện Amcham khẳng định, các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ mang các dự án điện và năng lượng chất lượng cao, cũng như công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam.

“Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm đến việc phát triển chuỗi cung ứng, lực lượng lao động có khả năng canh tranh toàn cầu, tạo việc làm có chất lượng và đầu tư vào sự phát triển chuyên môn cùa Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là “Cung cấp điện giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững cho sự phát trién kinh tế xã hội của Việt Nam. Các nhà đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực điện và năng lượng của Hoa Kỳ không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp địa phương cũng như nhiều công ty Hoa Kỳ đang mong muốn phát triển hơn nữa tai Việt Nam”, ông John Rockhold nhấn mạnh.

Ông John Rockhold khẳng định, AmCham rất coi trọng sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, việc đối thoại hiệu quả giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp mang lại kết quả tối ưu.

“Luôn có nhiều cách đế cải thiện môi trường kinh doanh và chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và sửa đổi Luật Điện lực. Chúng tôi ủng hộ việc tích hợp các chính sách về năng lượng tái tạo thành một chương riêng trong quá trình sửa Luật Điện lưc, thay vì xây dựng một Luật Năng lượng tái tạo mới. Chúng tôi khuyến khích Chính phủ làm rõ những điểm vướng mắc trong Luật Điện lực đang làm cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài, đồng thời cần nhắc cẩn trọng đến các gánh nặng hành chính khi soạn thảo các dự thảo luật và quy định đế có thể hạn chế tạo ra thêm gánh nặng bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc Chính phủ lắng nghe ý kiến đóng góp của AmCham trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi”, đại diện Amcham bày tỏ.

Theo ông John Rockhold, điều quan trọng đối với nhiều nhà sàn xuất Hoa Kỳ khi lựa chọn Việt Nam là khả năng tiếp cận nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Bất kỳ quyết định nào của doanh nghiệp liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất hay chuyển dời chuỗi cung ứng đều cân nhắc đến các giải pháp năng lượng xanh. Để đạt được mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phù hợp, đáng tin cậy và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài – và các dự án cần phải thực tế và có khả năng sinh lợi để thu hút vốn. Việt Nam nên làm rõ các quy định pháp luật hiện tại để giải phóng nguồn vốn quốc tế đáng kể đang chờ đợi. Các dự án lưới điện mới sẽ thu hút đầu tư và nâng cao quy mô công suất của các dự án năng lượng tái tạo cảa Việt Nam, cung cấp nguồn năng lượng an toàn và đáng tin cậy cho người dân và doanh nghiệp. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện tái tạo và khách hàng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ cực kỳ hữu ích cho cả hai bên trong trường hợp không sử dụng lưới điện quốc gia, hay trường hợp sử dụng lưới điện quốc gia với sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN được trả một mức phí cho việc sử dụng lưới điện.

Hiện nay, các dự án điện mà các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang hợp tác với các công ty và chuỗi cung ứng Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện cấp bách và dài hạn cũng như chuyển đối sang điện sạch hơn đang được triển khai tích cực. Đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực sản xuất điện từ LNG rất hấp dẫn và các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tích cực tại Việt Nam trong việc cung cấp, tái hóa khí, xây dựng, vận hành và cung cấp tài chính cho LNG. Đại diện Amcham đề xuất quy trình lựa chọn nhà đầu tư nên tuân theo các thủ tục đấu thầu minh bạch, phù hợp với cả tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Các nhà thầu phải chứng minh họ sở hữu hàng tỷ USD vốn cổ phần và tài chính, đảm bảo các hợp đồng cung cấp LNG dài hạn, các chuyên gia giàu kinh nghiệm về thiết bị đầu cuối LNG và đầu tư nhà máy điện, cũng như các thiết kế và thiết bị có khả năng chuyến đối sang Hydrogen xanh khi đạt được tính khả thi về mặt kinh tế.

Việc hợp tác giữa các công ty Hoa Kỳ với các đối tác Việt Nam để nâng cao năng lực địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, cũng đóng vai trò quan trọng. Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên Henry Hub từ Hoa Kỳ, hiện có giá khoảng 2,50 USD/triệu BTU. LNG cùa Mỹ sẽ được cung cấp thông qua các hợp đồng dài hạn cố định, tương tự như cách tiếp cận hiện nay để cung cấp cho châu Âu và Trung Quốc. Vào thời điểm một dự án LNG mới sẵn sàng được xây dựng, Hoa Kỳ sẽ có một cảng LNG ở bờ biến phía Tây đang hoạt động phục vụ cho châu Á thông qua chương trình khí đốt Alaska mới. Hiện tại, một dự án của công ty Hoa Kỳ đã sẵn sàng triển khai, chờ ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN.

Cũng theo đại diện Amcham, thông qua việc hợp tác với Hội đồng Than Hoa Kỳ và các thành viên của Hội đồng, EVN và công ty thành viên GENCO có thể ứng phó với những vấn đề phát sinh và đảm bảo được nguồn điện chạy nền đế đáp ứng nhu cầu tăng trường kinh tế và công nghiệp. Việc hợp tác sẽ tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt về chuyển đổi nhiên liệu cho điện than, tiếp sau đó là khí và LNG trong trung hạn.

“Việc hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam có thể mang lại các giải pháp giảm thiểu phát thải cho Việt Nam, đồng thời tạo ra nguồn có giá cả phải chăng, đáng tin cậy, sạch trở thành nguồn năng lượng dồi dào và phục vụ cho sự thịnh vượng chung. Với công nghệ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm ít nhất 46 triệu tấn khí thải, vượt xa cam kết giảm 9% khí thải vào năm 2030 của Việt Nam. Thay vì đầu tư vào các công nghệ có năng suất thấp, độ tin cậy thấp, chi phí dự án cao, Việt Nam có thể tiết kiệm tới 12 tỷ USD vào năm 2030 bằng cách sử dụng công nghệ hiện có của các thành viên Hội đồng Than Hoa Kỳ. 12 tỷ USD tiết kiệm được có thể tái sử dụng vào các sáng kiến và dự án đầu tư khác nhằm giảm dấu ấn các bon trong hoạt động sản xuất và phân phối điện. Chúng tôi mong muốn được ngồi lại với các công ty điện than Việt Nam để trao đổi về cách thức hợp tác giữa hai bên”, ông John Rockhold bày tỏ.

Cũng theo Chủ tịch AmCham Việt Nam, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này. Chuỗi cung ứng này bao gồm từ các xưởng đóng tàu và đúc thép cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc phát triển chuỗi cung ứng độc lập và có khả năng nhân rộng ra quốc tế ở Việt Nam là khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính quốc tế. Bằng cách tạo ra các cơ chế bảo lãnh, trong đó các bên cho vay của Mỹ có được sự bảo đảm cần thiết để cấp vốn cho các dự án chuyển dịch năng lượng quy mô lớn, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể khả năng cấp vốn của các ngân hàng Việt Nam. Đồng thời tiếp cận những hỗ trợ tài chính ưu đãi, chi phí thấp đang chờ để hỗ trợ Việt Nam đạt được an ninh và tự chủ về năng lượng./.