Quy định này quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận và công nhận lại phường thuộc quận, thị trấn thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là phường, thị trấn); quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh) đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh
Ảnh minh họa

Quyết định nêu rõ, ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh tổ chức tự đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí theo Bảng đánh giá quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy định này; lập Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh và gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tham gia ý kiến.

Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh gửi văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức lấy ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh (kèm theo Bảng đánh giá Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh sau khi đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp). Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh của Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh phải được thông báo, công bố công khai để lấy ý kiến trong thời hạn 30 ngày.

Hết thời hạn lấy ý kiến, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh; tham gia hoàn chỉnh Báo cáo kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội.

Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

9 tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị văn minh

Quyết định quy định 09 tiêu chí đánh giá và điều kiện xét công nhận phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, bao gồm:

– Tiêu chí 1: Quy hoạch đô thị;

– Tiêu chí 2: Giao thông đô thị;

– Tiêu chí 3: Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị;

– Tiêu chí 4: An ninh, trật tự đô thị;

– Tiêu chí 5: Thông tin, truyền thông đô thị;

– Tiêu chí 6: Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị;

– Tiêu chí 7: Văn hóa, thể thao đô thị;

– Tiêu chí 8: Y tế, giáo dục đô thị;

– Tiêu chí 9: Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

4 điều kiện xét công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

Quyết định nêu rõ các điều kiện công nhận và công nhận lại phương, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Đó là:

– Có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Đạt 09 đánh giá, công nhận đô thị văn minh;

– Thời gian đăng ký:

+ 02 năm, đối với công nhận lần đầu;

+ 05 năm, đối với công nhận lại.

– Có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Điều kiện xét, công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh

Theo Quyết định, điều kiện xét, công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh gồm:

– Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Đạt 09 đánh giá, công nhận đô thị văn minh;

– Thời gian đăng ký:

+ 02 năm, đối với công nhận lần đầu;

+ 05 năm, đối với công nhận lại.

– Có 100% phường, thị trấn trực thuộc được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh.

– Có 100% xã trực thuộc (nếu có) được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 thay thế Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL, ngày 24/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”./.