Bức tranh các Top 10 “sếu đầu đàn” ngành xây dựng năm 2024

Bảng xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng năm 2024, Top 10 nhà thầu xây dựng hạ tầng – công nghiệp năm 2024 và Top 10 nhà thầu cơ điện năm 2024 vừa được Vietnam Reporrt công bố đã cho thấy, bức tranh tổng quan những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực xây dựng năm nay. Những doanh nghiệp trụ cột của ngành xây dựng này đã và đang nỗ lực hết mình, để đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn vì sự suy giảm nguồn cung bắt đầu từ năm 2019, hệ lụy của đại dịch Covid-19, cho tới những bất ổn địa chính trị trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá nguyên vật liệu… trong suốt 3 năm vừa qua.

Các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong các nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành xây dựng, với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2023 kết hợp sử dụng phương pháp Media Coding khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan, nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất về doanh nghiệp xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, làm nổi bật lên những tên tuổi sau.

Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty xây dựng năm 2024, tháng 3/2024

Top 10 Nhà thầu xây dựng hạ tầng – công nghiệp năm 2024

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty xây dựng năm 2024, tháng 3/2024

Top 10 Nhà thầu cơ điện năm 2024

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty xây dựng năm 2024, tháng 3/2024

Hành trình “gian nan thử sức”

Các doanh nghiệp xây dựng bước vào năm 2023 khi những tín hiệu kém tích cực phủ sóng trên khắp thị trường. Tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, niềm tin thị trường suy yếu, bất động sản “bất động” khiến nguồn cung công việc giảm, vấn đề nợ đọng, thiếu vốn thêm nhức nhối, cơn khát tiền diễn ra trầm trọng. Áp lực trích lập dự phòng phải thu gia tăng, lợi nhuận sụt giảm trên mức nền so sánh thấp cùng kỳ năm trước, nợ vay và chi phí lãi vay cao… là câu chuyện chung của không ít doanh nghiệp trong ngành. Theo kết quả thống kê của Vietnam Report, hơn một nửa số doanh nghiệp niêm yết ngành xây dựng có doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 đi xuống so với năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp giảm sút về doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng so với kết quả thống kê cách đây một năm.

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report

Lăng kính truyền thông cũng phản ánh rõ nét sự chững lại của thị trường xây dựng trong năm qua. Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report cho thấy, bối cảnh khó khăn chung của thị trường và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan đã kéo mức độ “an toàn” thông tin (tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực trong tổng số thông tin được mã hóa) của các doanh nghiệp ngành xây dựng sụt giảm so với năm trước. Tỷ trọng tin tích cực đi xuống so với các năm trước và có những thời điểm bị áp đảo bởi tỷ trọng tin tiêu cực trên thị trường (tháng 2, tháng 5 và tháng 7 năm 2023).

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp xây dựng từ tháng 1/2023 đến hết tháng 1/2024

Top 5 chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024 bao gồm Tài chính/Kết quả kinh doanh (22,0%), Cổ phiếu (17,7%), Hình ảnh/PR/Scandal (8,3%) và Quản trị (6,1%). Đây là năm thứ hai liên tiếp chứng kiên chủ đề Tài chính/Kết quả kinh doanh chiếm tỷ trọng lượng thông tin nhiều nhất trong tổng số thông tin được mã hóa. Thông tin về doanh thu, lợi nhuận, lãi suất, cổ tức và các chỉ số tài chính khác, phản ánh hiệu suất và sức khỏe của doanh nghiệp đều là những chủ đề thu hút sự quan tâm từ cả nhà đầu tư, công chúng và thị trường tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, chủ đề Cổ phiếu cũng phủ sóng và ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về lượng thông tin. Sự biến động của thị trường tạo nên nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và hoạt động giao dịch cùng với các sự kiện liên quan đến trái phiếu, đáo hạn trái phiếu làm tăng lượng thông tin được truyền tải về chủ đề này.

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp xây dựng từ tháng 2/2020 đến hết tháng 1/2024

Triển vọng ngành xây dựng trong năm 2024

Kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp vào tháng 1/2024 của Vietnam Report cho thấy, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng đã lạc quan hơn về triển vọng chung của ngành. Phần đông số doanh nghiệp (52,6%) kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn. Trong khi đó, 36,9% số doanh nghiệp dự báo ngành xây dựng sẽ chưa có nhiều sự cải thiện, gần như giữ nguyên trạng thái trong năm qua và 10,5% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn. Nhìn chung, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng chưa thể diễn ra chóng vánh và chưa thể khẳng định thị trường xây dựng sẽ đạt được các kết quả rực rỡ, tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho sự phục hồi và ươm mầm một chu kỳ phát triển mới.

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, khảo sát các doanh nghiệp xây dựng, tháng 2/2023 và tháng 2/2024

Ở tất cả các phân khúc xây dựng, tỷ lệ doanh nghiệp bày tỏ lạc quan về triển vọng đều cao hơn so với kết quả khảo sát cách đây một năm. Sự phân hóa về tâm lý lạc quan đối với các phân khúc tiếp tục được duy trì trong năm nay với thứ tự lần lượt là: (1) Xây dựng hạ tầng, (2) Xây dựng công nghiệp, (3) Xây dựng năng lượng và tiện ích, (4) Xây dựng nhà ở và (5) Xây dựng thương mại. Việc đẩy mạnh đầu tư công và sự gia tăng nguồn vốn FDI là cơ sở củng cố niềm tin đối với mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Trong khi đó, mảng xây dựng năng lượng và tiện ích ghi nhận sự gia tăng đáng kể tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng tích cực hơn so với kết quả khảo sát năm 2023 (+43,6%) nhờ nhu cầu cấp bách trong xây lắp các dự án truyền tải Nam – Bắc với dự án trọng điểm là đường dây 500kV mạch 3 và nhu cầu phát triển hạ tầng điện, nhằm đáp ứng hệ thống năng lượng tái tạo sau khi có những tín hiệu mới từ chính sách. Ở chiều ngược lại, dù ghi nhận mức độ lạc quan của doanh nghiệp gia tăng so với khảo sát năm 2023, song xây dựng nhà ở và xây dựng thương mại vẫn được đánh giá cải thiện chậm hơn so với các phân khúc khác với lần lượt 47,4% số doanh nghiệp và 66,7% số doanh nghiệp nhận định rằng, trong năm 2024, hai phân khúc này chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt và chưa thể thoát khỏi bức tranh u ám trong năm qua.

Động lực củng cố kỳ vọng phục hồi

Đáng chú ý, kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng đã ghi nhận những động lực được kỳ vọng kích thích thị trường, đặt nền móng cho sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024 từ góc nhìn của các doanh nghiệp trong ngành.

Tín hiệu khởi sắc và kỳ vọng động lực phục hồi của ngành xây dựng năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, khảo sát các doanh nghiệp xây dựng, tháng 2/2024

Về ngoại lực, các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, cùng với đà tăng của nguồn vốn đầu tư (cả vốn đầu tư nhà nước và vốn đầu tư trục tiếp nước ngoài) đang được kỳ vọng là “rìu phá băng” đẩy nhanh quá trình phục hồi cho doanh nghiệp xây dựng. Các nhân tố ngoại lực tác động bao gồm:

Thứ nhất, triển vọng phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản sau những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Với việc kinh tế đang dần có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2023 khi tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các quý, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 6,0-6,5%. Các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng rằng, giai đoạn tới sẽ đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường bất động sản bước qua thời điểm khó khăn nhất và ghi nhận sự chuyển biến với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, niềm tin thị trường được vực dậy, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% trong năm 2024 cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể. Các doanh nghiệp xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do đó, khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay cũng nhẹ bớt, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận tốt.

Thứ ba, đầu tư công được đẩy mạnh. Đầu tư công sẽ tiếp tục là trụ cột và động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và cả trong trung và dài hạn. Những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy không ngừng. Năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm cao điểm giải ngân và được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Trên cơ sở dự toán ngân sách năm 2024 (được Quốc hội thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn đầu tư công năm nay với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng. Tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trước tiên là thúc đẩy nhóm doanh nghiệp nhà thầu hạ tầng. Vì vậy, dư địa tăng trưởng dành cho nhóm ngành xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất lớn với các hợp đồng thi công dự án lớn trong giai đoạn này. Với giá trị backlog lớn, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng kỳ vọng duy trì nguồn việc, cũng như doanh thu lớn cho các năm tiếp theo.

Thứ tư, sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Thị trường xây dựng trong nước cũng kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam. Bất chấp những bất định của kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 vẫn giữ vững, đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 đã tạo tiền đề thuận lợi cho triển vọng tích cực hơn nữa vào năm 2024 khi vị thế về địa chính trị, trung tâm sản xuất được củng cố; vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua, mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho xây dựng công nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng cũng kỳ vọng sức mạnh nội tại của bản thân đã được tích lũy, xây dựng và củng cố trong thời gian qua sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Các doanh nghiệp tin tưởng rằng: (1) Năng lực quản lý tài chính hiệu quả, rà soát, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí; (2) Uy tín, thương hiệu đã được xây dựng trên thị trường; (3) Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành; (4) Sẵn có đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao và (5) Hoạt động kinh doanh đa dạng là cơ sở vững chắc cho đà bứt phá của bản thân./.