Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh, chúng ta đang ở trong một môi trường đầu tư kinh doanh với rất nhiều biến số cần giải mã cả ở phạm vi toàn cầu và quy mô địa phương, từ cấp độ vĩ mô đến vi mô. Những lo sợ về cơn bão lạm phát và “bóng ma” suy thoái ở các nền kinh tế lớn vẫn còn hiện hữu, nhưng bắt đầu được đan xen bằng những dòng chảy lạc quan, tích cực với sự hậu thuẫn của những dữ liệu thống kê cho thấy thực tế đang “không xấu như dự kiến”.

Vai trò cố vấn tài chính giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Diễn đàn

“Liệu những lo lắng đó có là thái quá, hay sự lạc quan có đến hơi sớm vẫn cần được cắt nghĩa và giải đáp. Hay những chính sách tiền tệ, tài khóa liên tục biến động bởi “hội chứng” hậu covid và những hệ lụy của các xung đột địa chính trị khiến ở những chỗ này, tiền rẻ trở thành đắt và đắt hơn, trong khi tại nhiều nơi khác, dù tiền vẫn rẻ mà không được hào hứng hấp thu cũng dẫn đến những băn khoăn về tính thích đáng và phù hợp”, ông Lê Trọng Minh đặt vấn đề.

Cũng theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư, tốc độ tăng trưởng vẫn là một ẩn số dù đã có những dấu hiệu về một xu hướng tốt dần. Niềm tin của người tiêu dùng hết chuyển từ nóng sang lạnh rồi lại ấm lên. Giá cả các loại hàng hóa chủ chốt biến động một cách khó đoán định. Thị trường tài chính vẫn có thể bị dội những gáo nước lạnh đột ngột trong cơn vui đang được nhen nhóm trở lại…

“Môi trường đó giống như một dòng xoáy buộc các nhà đầu tư, kinh doanh phải ngụp lặn để truy tìm cơ hội – những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi có nhiều thêm những biến số phức tạp và khó giải mã. Những câu hỏi như lớp tài sản nào nên ưu tiên đầu tư? Đâu là những xu hướng đầu tư đang nổi lên thu hút sự chú ý khi mà kỷ nguyên tiền rẻ đã qua đi? Những nhóm ngành nào sẽ vượt lên trong thời gian sắp tới? Nhóm tài sản nào sẽ thể hiện tốt trong các kênh giao dịch, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển… sẽ khó trả lời hơn trong một môi trường đầu tư đã thiết lập trạng thái mới, nhưng không hề dễ thích ứng bởi sự xuất hiện của những vấn đề tinh vi, phức tạp và chưa từng có tiền lệ…”, ông Minh nói.

Ông cũng cho rằng, những sự đổ vỡ có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn, cùng những cạm bẫy luôn đi kèm với những hình thái đầu tư bậc cao sẽ có khả năng làm suy giảm niềm tin trên thị trường, gây phương hại đến mục tiêu đầu tư bền vững, dài hạn. Vùng xoáy tài chính không phải lúc nào cũng là vùng an toàn với những nhà đầu tư nghiệp dư, chưa được trang bị đủ kỹ năng, kiến thức và bản lĩnh cần thiết. Vì thế, những cố vấn tài chính chuyên nghiệp, tài năng và tâm huyết sẽ là một sự lựa chọn hữu ích để tiếp cận các kênh đầu tư hiện đại, đầy tiềm năng với tỷ suất sinh lời cao nhưng giảm bớt được rủi ro. Càng thành công sẽ có càng thêm nhiều nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng bỏ vốn, từ đó tạo lập một môi trường đầu tư thực sự bền vững…

Vai trò cố vấn tài chính giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro
Phiên thảo luận “Giải mã biến số” trong khuôn khổ Diễn đàn

Trong hai phiên thảo luận “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội” trong khuôn khổ Diễn đàn, các diễn giả đã cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính – ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.

Lưu ý 2 khía cạnh đang tác động đến doanh nghiệp từ tình hình kinh tế thế giới khó khăn hiện nay, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến 2 xu hướng đang diễn ra, đó là sự gia tăng cạnh tranh và tiêu dùng xanh.

“Sự cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp, mà còn giữa các quốc gia trên thị trường xuất khẩu đang gia tăng, khi tình hình thế giới khó khăn. Chính vì vậy, ngay cả khi tình hình kinh tế thế giới thay đổi tích cực hơn, không có nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam đương nhiên sẽ hưởng lợi theo xu hướng”, ông Hiếu nhận định.

Trong khi đó, đối với xu thế tiêu dùng xanh, ông Hiếu khẳng định, đây là xu hướng không thể đảo ngược. Doanh nghiệp không có chiến lược chuyển đổi xanh theo xu hướng này sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn và mất dần thị trường.

Vai trò cố vấn tài chính giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra 2 xu hướng đang diễn ra, đó là sự gia tăng cạnh tranh và tiêu dùng xanh

Do đó, theo ông Hiếu, trong bối cảnh này, việc cải cách trong nước, mà cụ thể là cải cách thể chế sẽ càng quan trọng cả về ngắn và dài hạn. Đã có những giải pháp từ phía Chính phủ như việc ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg, ngày 13/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; Nghị quyết 105/NQ-CP, ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Cả hai văn bản này đều đề cập đến việc cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí “bôi trơn” và không được phép ban hành các quy định mới nếu làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hiện vẫn có những doanh nghiệp phải lo lắng thêm về rào cản pháp lý, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này cho thấy nhu cầu cải cách và tác động của việc cải cách vẫn còn rất lớn.

Ông Hiếu khẳng định, Chính phủ đã nhìn ra vấn đề và có giải pháp mạnh mẽ, tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là khả năng thực thi đến đâu.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng đặc biệt kỳ vọng vào quyết định cách đây vài ngày cùa Thủ tướng Chính phủ về việc lập tổ công tác cải cách thủ tục hành chính với nhiệm vụ giám sát và chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc và duy trì kỷ luật, kỷ cương, cũng như tiến trình cải cách môi trường kinh doanh.

Ông cho rằng, với quyết tâm lớn của Chính phủ, trong bối cảnh hiện tại, đây chính là giải pháp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhận định về xu hướng thị trường tài chính trong thời gian tới, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Công ty Dragon Capital khá thận trọng khi lưu ý rằng, việc đánh giá khả năng phục hồi “rất tốt” năm sau của một số tổ chức tài chính quốc tế là hơi chủ quan.

Theo ông Dominic Scriven, dù thị trường chứng khoán tại nhiều quốc gia đã có sự phục hồi mạnh mẽ, song thực tế là dự báo của các tổ chức lớn như: World Bank, IMF hay Fitch Ratings có sự khác biệt. Điều này cũng đang cho thấy sự lúng túng khi cố gắng phân tích các “vòng xoáy” tác động lên các biến số vĩ mô. Chủ tịch Dragon Capital cũng đã phải thừa nhận bản thân có sự chủ quan khi dự báo không chính xác các diễn biến, đặc biệt sau cuộc chiến tranh tại Ucraine, cũng như không dự báo đúng biến động yếu tố lạm phát, tỷ giá…, do đó, tác động nhất định đến hiệu quả đầu tư của quỹ.

Phân tích cụ thể về xu hướng và tình hình năm nay, Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn khá cởi mở. Tại Mỹ, dù lãi suất tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) luôn đưa thông điệp tăng lượng ít một mỗi lần. Các thị trường tài chính phản ánh khá tích cực trong các tháng gần đây. Hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng 15-28% trong năm nay, trong đó có Việt Nam.

Vai trò cố vấn tài chính giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital chia sẻ tại phiên thảo luận

Còn trong nước, lạm phát của Việt Nam năm ngoái và năm nay ổn định và được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có những động thái chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính Việt Nam phục hồi, góp phần hỗ trợ nhà đầu tư phần nào khắc phục được một phần khoản lỗ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Dominic Scriven cho rằng, năm 2022 là một năm buồn và ảm đạm đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất khó khăn.

Do đó, theo Chủ tịch Dragon Capital, việc có một số nhận định của các tổ chức quốc tế về khả năng phục hồi “rất tốt” trong năm sau là “hơi chủ quan”. Nhất là khi nhiều đầu tàu kinh tế thế giới đều có vấn đề như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản… Trong bối cảnh này, vai trò cố vấn đối với chính các tổ chức đầu tư, khách hàng và mọi người dân về rủi ro khi đầu tư tài chính càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông Dominic Scriven gợi ý cho các nhà đầu tư 3 lời khuyên áp dụng triệt để trong nội bộ công ty quản lý quỹ của mình. Đó là cần phải quản trị rủi ro, đa dạng hoá danh mục, và cuối cùng là đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình./.