Tại buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh Pernik, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã giới thiệu các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh nhiều năm đạt ở mức 2 con số, cá biệt có những năm tăng trên 20%, đưa bình quân cả giai đoạn 1997-2022 tăng 13,27%/năm. Riêng năm 2022 tốc độ tăng trưởng của Vĩnh Phúc đạt 9,54%, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2014-2022, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 17 cả nước. Đáng chú ý, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng của Việt Nam trong thu hút đầu tư trong nhiều năm gần đây.

Vĩnh Phúc và tỉnh Pernik, Bungari ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành và ông Ludmil Dimitrov Veselinov, Tỉnh trưởng tỉnh Pernik ký kết Biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và Bungari

“Tỉnh Vĩnh Phúc luôn thay đổi, phát triển và nỗ lực để là nơi có uy tín, niềm tin đối với các nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc luôn nằm trong top 10 của cả nước (năm 2021 đứng thứ 5, năm 2022 đứng thứ 8). Trong các chỉ số thành phần PCI, Vĩnh Phúc nổi bật ở vị trí thứ 4 cả nước với chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó, Tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá, đưa kết quả thu hút đầu tư của Tỉnh tăng cao. Nếu như năm 1998, trên địa bàn Tỉnh mới chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI, thì đến hết quý II/2023, trên địa bàn Tỉnh có 449 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 7,7 tỷ USD”, ông Lê Duy Thành cho biết.

Về phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đến nay, Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.487 ha và 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 646 ha. Trong đó, có 16 KCN đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích là 3.155,157 ha, đất công nghiệp là hơn 2,2 nghìn ha. Có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.582,85 ha (tỷ lệ lấp đầy bình quân là 85,86%). Theo quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc có 27 khu công nghiệp với diện tích 7.154,69 ha và 51 cụm công nghiệp với tổng quy mô diện tích khoảng 1.902 ha. Nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh vượt qua nhiều khó khăn ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tỉnh. Sản xuất công nghiệp đã, đang trở thành nền tảng của nền kinh tế. Tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất như: Tập đoàn Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử… Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách đi tiên phong trong cả nước. Một số sản phẩm có thương hiệu và xuất khẩu như: thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng… Một số loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng, Cát sâm, Hà thủ ô đỏ, Ba kích… đã và đang được người dân tăng diện tích gieo trồng. Cùng với đó, hạ tầng du lịch, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Đại Lải… được đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, Khu du lịch Tam Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam được tổ chức World Travel Award vinh danh là Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Tỉnh cũng tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Với các lợi thế trong thu hút đầu tư như: có vị trí chiến lược; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hệ thống giao thông thuận lợi, cảng logistic đồng bộ hiện đại, kết nối thuận lợi với các khu, cụm công nghiệp; cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao, Vĩnh Phúc đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ về định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, ông Lê Duy Thành cho biết, Vĩnh Phúc phấn đấu xây dựng Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 2030. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức. Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực, bao gồm công nghiệp: Sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện; cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại; chế biến thực phẩm, đồ uống; các nhóm ngành công nghiệp khác: Chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng (vật liệu mới, chất lượng cao, thân thiện môi trường); dịch vụ: dịch vụ du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh – thiền; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao (du lịch golf); du lịch hội nghị hội thảo; du lịch bổ trợ kết hợp với mục đích thương mại. Dịch vụ thương mại: Trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, kho bảo quản, chợ đầu mối. Dịch vụ logistics: Phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic đa dạng, hiện đại. Nông nghiệp: Chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trang trại, ứng dụng công nghệ, chăn nuôi hữu cơ (lợn, bò, gia cầm). Trồng trọt: Lúa chất lượng cao, cây dược liệu, trái cây, rau củ quả an toàn. Lâm nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái; chế biến và thương mại lâm sản, trồng dược liệu. Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, áp dụng thực hành nuôi tốt, nuôi hữu cơ…

Để cụ thể hoá các nội dung của Bản ghi nhớ và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai Tỉnh, ông Thành đề xuất hai bên cần thường xuyên duy trì hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn lãnh đạo các cấp nhằm kịp thời cung cấp cho nhau tình hình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi bên, để có những chủ trương hợp tác hữu nghị phù hợp với từng thời kỳ. Thống nhất quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách ủng hộ cho chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân của hai Tỉnh tăng cường các hoạt động hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh; nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm; trao đổi thương mại mà mỗi bên có thế mạnh; bảo vệ môi trường và phát triển nguồn năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo; trao đổi về khoa học và công nghệ; tổ chức giao lưu về văn hóa; phát triển du lịch dịch vụ và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hai bên thống nhất giao cho cơ quan đối ngoại hai Tỉnh là đầu mối trao đổi giữa hai bên và thường xuyên duy trì liên lạc để thống nhất xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác hàng năm giữa hai Tỉnh.

Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Bungari hơn 70 năm qua, với những tình cảm tốt đẹp, sự hiểu biết, được sự ủng hộ của hai nhà nước, chính quyền hai địa phương đã không ngừng nỗ lực, hợp tác vun đắp cho mối quan hệ giữa hai bên. Thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng và thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị để cùng nhau thúc đẩy các hoạt động hợp tác vì mục tiêu phát triển thịnh vượng của mỗi bên.

Sự kiện ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực. Đồng thời, giúp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân của hai Tỉnh tăng cường các hoạt động hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh; nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm; trao đổi thương mại mà mỗi bên có thế mạnh; bảo vệ môi trường và phát triển nguồn năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo; trao đổi về khoa học và công nghệ; tổ chức giao lưu về văn hóa; phát triển du lịch dịch vụ và đào tạo nhân lực chất lượng cao…, từ đó góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Bungari.

Việc ký kết hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Pernik là một trong những giải pháp để cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của hai nhà nước Việt Nam và Bungari và sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của hai địa phương, quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực giữa hai Tỉnh sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới.

Trước đó, sáng 23/9/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đến thăm Tập đoàn Beximco – Tập đoàn đa ngành hàng đầu của Bangladesh đang hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu sợi và phân phối dược phẩm.

Vĩnh Phúc và tỉnh Pernik, Bungari ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị
Lãnh đạo Beximco giới thiệu sản phẩm của Tập đoàn

Tập đoàn Beximco được thành lập từ năm 1976. Trải qua 47 năm hình thành, phát triển, Beximco đã trở thành Tập đoàn lớn nhất của Bangladesh về dược phẩm và là công ty duy nhất của Bangladesh được xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ. Beximco đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Bangladesh từ năm 1985 và thị trường chứng khoán London năm 2005. Hiện Beximco có quan hệ đối tác với các công ty lớn toàn cầu, giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Vĩnh Phúc và tỉnh Pernik, Bungari ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm khu chế xuất dược phẩm của Tập đoàn Beximco

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã thông tin khái quát về môi trường đầu tư, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tới Tập đoàn và mong muốn trong thời gian sớm nhất, lãnh đạo Beximco sẽ đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc./.