Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam”.

Chủ động tiếp cận, hấp thụ và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam”

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào sáng nay (ngày 14/6).

Nội dung cốt lõi của CNH, HĐH giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về CNH, HĐH.

Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc xây dựng những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy quá trình CNH, HĐH góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị về CNH, HĐH do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH.

Chủ động tiếp cận, hấp thụ và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng xác định công nghiệp công nghệ số là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi của công nghiệp công nghệ số.

Việt Nam được xếp trong nhóm 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0

Theo dự báo của Tập đoàn Ericsson, vào năm 2025 khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh.

Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Úc, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030.

Trong báo cáo CNH trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.

Phân tích rõ hơn về những điểm sáng của công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam hiện nay, bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT- IT cho biết, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Diễn đàn Make in Vietnam 2022, công nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021; số lượng doanh nghiệp hơn 70.000. xuất khẩu của ngành công nghiệp số ước đạt 136 tỷ USD.

Đại diện VNPT cũng chỉ ra những lợi thế thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam hiện nay đó là: Mức độ phổ biến ngày càng tăng của công nghệ IoT; sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử; ưu tiên tập trung đầu tư thành phố thông minh của Chính phủ; tăng cường sử dụng các 4.0 như AI, AR/VR, blockchain trong các ngành công nghiệp; chú trọng đầu tư vào các giải pháp an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu; sự xuất hiện của mạng 5G và những tác động của nó.

Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn dẫn chứng, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, công bố tháng 11/2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như rô-bốt, sản xuất đắp lớp 3D.

Báo cáo của CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tháng 3/2021 cho thấy, chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: Ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.

“Như vậy, có thể thấy phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khó khăn và thách thức đan xen”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Cũng phân tích về những khó khăn, thách thức của phát triển công nghiệp công nghệ số, bà Phan Thị Thanh Ngọc – đại diện VNPT cho biết, có thể kể tới một số khó khăn, thách thức như sau: Sự cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số trong khu vực ASEAN; mất cân đối sản xuất do phụ thuộc vào thị trường quốc tế; nguy cơ bị thâu tóm khi phụ thuộc vào khu vực FDI; khả năng khai phá dữ liệu chưa làm chủ; khả năng mất lợi thế nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh

Vì vậy, theo vị Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, cần có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam, giúp Việt Nam chủ động tiếp cận, hấp thụ và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất.

“Tất cả những điều đó cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, từ góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện VNPT cũng đưa ra 6 nhiệm vụ cho các tập đoàn công nghệ lớn, đó là: phải làm chủ được công nghệ, nhất là kết nối băng thông dữ liệu để xây dựng được các nền tảng công nghiệp số, phát triển hệ sinh thái công nghệ số, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ số quốc gia, nuôi dưỡng nhân lực công nghiệp số có chất lượng cao, giữ vai trò dẫn dắt ICT, đăng ký cấp bằng sáng chế của Việt Nam và trên thế giới.

Đa số các đại biểu đều cho rằng, để nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam, cần thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Chuyển đổi số với tính chất là phương thức mới, mang tính đột phá nhằm rút ngắn quá trình CNH, HĐH./.