Tránh để doanh nghiệp “đội” thêm thời gian, chi phí

Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Tổng cục Hải quan góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Theo đó, liên quan đến xử lý kết quả kiểm tra hải quan, Khoản 1, Điều 20 dự thảo đã bỏ quy định cho phép doanh nghiệp thực hiện giám định nếu không đồng ý với kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan… Với hướng sửa này, nếu doanh nghiệp không đồng ý với kết quả giám định hàng hóa, họ chỉ có 2 lựa chọn là khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp vì việc khiếu nại hoặc khởi kiện (hành chính) thường tốn rất nhiều chi phí, thời gian. Trong khi đó, kết quả giám định hàng hóa mang tính kỹ thuật, chứ không liên quan nhiều đến pháp lý, nên giải pháp này chỉ nên là lựa chọn cuối cùng nếu doanh nghiệp muốn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên như quy định hiện hành.

Đừng khó cho doanh nghiệp, dễ cho hải quan
Một số nội dung mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP có nguy cơ khiến doanh nghiệp tăng chi phí và thời gian tuân thủ

Về giám sát hải quan đối với kho ngoại quan, Khoản 2, Điều 87 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định, việc thực hiện các dịch vụ gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép hàng hóa; phân loại phẩm cấp hàng hóa, bảo dưỡng hàng hóa và lấy mẫu hàng hóa trong kho ngoại quan, chủ hàng hoặc chủ kho ngoại quan phải có văn bản thông báo trước khi thực hiện cho Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan để tổ chức theo dõi, giám sát… Tuy nội dung này đã thiết kế đơn giản, nhưng do nhu cầu về các dịch vụ trong kho ngoại quan luôn lớn và phát sinh thường xuyên, nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo cho Chi cục Hải quan sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng, trong thời hạn nhất định cơ quan hải quan không có văn bản đồng ý được coi là đồng ý hoặc cân nhắc giải pháp cho phép doanh nghiệp nộp thông báo qua thư điện tử hoặc phần mềm điện tử.

Thủ tục cần minh bạch, rõ ràng

Liên quan đến kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất, Khoản 2, Điều 25 dự thảo quy định, việc kiểm tra được thực hiện chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra… Quy định theo hướng này, theo VCCI có thể dẫn đến trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra ngay sau hoặc sau một thời gian ngắn sau khi nhận được quyết định kiểm tra, nên một số doanh nghiệp có thể không sẵn sàng cho đợt kiểm tra do không có đủ thời gian chuẩn bị. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng: “Việc kiểm tra được thực hiện sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra, hoặc sớm hơn nếu tổ chức, cá nhân đồng ý”.

Khoản 4, Điều 16 dự thảo quy định, người khai hải quan nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa. Thế nhưng, dự thảo chưa làm rõ sự khác nhau giữa dữ liệu số hóa và dữ liệu điện tử.

Về thủ tục hải quan tái nhập đối với hàng hóa đã xuất khẩu, Khoản 5, Điều 29 dự thảo quy định, đối với hàng hóa tái nhập để sửa chữa, tái chế sau đó tái xuất hoặc tái nhập để tái xuất cho đối tác nước ngoài khác, thời hạn tái xuất không quá 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai tái nhập, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù có thời gian sửa chữa, tái chế quá 12 tháng theo yêu cầu của chu trình sản xuất, thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định theo thỏa thuận của các bên. Quá thời hạn sửa chữa, tái chế mà chưa tái xuất, thì người khai hải quan phải khai, nộp đủ các loại thuế theo quy định và xử lý vi phạm (nếu có)…

Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định trên cần xem xét lại, vì thời hạn 12 tháng là tương đối ngắn với nhiều lô hàng tái nhập để tái chế có tính chất phức tạp và/hoặc số lượng lớn. Tuy dự thảo đã cho phép kéo dài thời gian, nhưng thủ tục để xin phép chưa minh bạch và không rõ ràng khi giao hết thẩm quyền quyết định cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan mà không có tiêu chí xác định cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng không hạn chế thời gian tái xuất với hàng hóa tái nhập để tái chế, doanh nghiệp có thể tùy ý lựa chọn thời gian tái xuất để đăng ký với cơ quan hải quan. Nếu không, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi thời gian tạm nhập tái xuất dài hơn chẳng hạn là 24 tháng…/.