Buổi làm việc này diễn ra ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành Công Thương phải xác định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế.

Không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp chiều ngày 9/2 trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo phải làm rõ được nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu khan hiếm và đề xuất được những giải pháp để giải tỏa, nhất định không được để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Các thương nhân đầu mối có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung

PVOil có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Petrolimex cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước…

Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3/2022.

Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).

Theo Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.

Để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương đã có Công văn chỉ đạo các doanh nghiệp và Sở Công Thương các địa phương. Bộ cũng đã có Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, trong những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao tại Công điện, tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công Thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương, trong đó cụ thể có các phương án, kế hoạch để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong những ngày Tết.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, về tổng thể, nguồn cung trong nước đến thời điểm hiện nay vẫn được đảm bảo. Bình thường, các Nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn đã đáp ứng được khoảng 75% cho nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, lượng xăng dầu cần nhập khẩu chỉ là 25%. Từ đầu tháng 01/2022, do Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất, nên có ảnh hưởng đến nguồn cung. Vì vậy, các doanh nghiệp đầu mối cần tăng nhập khẩu để bù vào lượng thiếu hụt nên thị trường có chút “trục trặc”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, kể cả trong tình huống xấu nhất là Nhà máy Lọc Hoá dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất.

Riêng với PVN, Thứ trưởng yêu cầu cần có thông báo sớm, cụ thể, chi tiết về tình hình cung ứng xăng dầu để các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ động có kế hoạch nhập khẩu bù vào khoản thiếu hụt. Thứ trưởng khẳng định, cần kiên quyết xử lý các vi phạm như đầu cơ, găm hàng, bán nhỏ giọt… Nếu không có lý do chính đáng, cần đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép của các cửa hàng vi phạm và xử lý các thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối liên quan.

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương như: Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết sẽ xử lý nghiêm trường hợp găm hàng, tăng giá. Cũng tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, trên cơ sở sản xuất kinh doanh, điều hành sản xuất của từng nhà máy, PVN kịp thời báo cáo, thông tin kịp thời tới Bộ Công Thương và các đối tác, đầu mối lớn như Petrolimex, Saigon Petro để điều phối nguồn cung.

Trong đó, PVN chỉ đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì hoạt động vận hành an toàn, ổn định, liên tục, đồng thời tăng công suất lên 103%, ngày 7/2 là 105% và dự kiến nâng công suất tối đa là 108%. Với Nhà máy Bình Sơn, Tập đoàn cũng chỉ đạo tăng 105% là thấp nhất, tương ứng với cung trên 30.000m3/tháng.

Tập đoàn chỉ đạo PVOil tăng công suất tối đa pha chế từ nguồn; xây dựng kế hoạch nhập 70.000m3 xăng dầu. Dự kiến, ngày 22/2 tới đây, lượng xăng dầu này sẽ về đến Việt Nam.

Đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn cũng chỉ đạo và yêu cầu đơn vị tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất vận hành công suất tối đa có thể.

Sẽ xử lý nghiêm minh, dứt điểm tình trạng găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, các địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng dầu thế giới khan hiếm và giá cả vì thế có xu hướng tăng là tất yếu bởi: Sự phục hồi kinh tế toàn cầu dẫn đến tổng cầu tăng; Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các quốc gia, lãnh thổ sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt; Có hiện tượng đứt gãy nguồn cung xăng dầu do dứt gãy cung ứng lao động, vật tư, sản lượng khai thác do đại dịch Covid-19; Các quốc gia đều tung các gói kích cầu, phục hồi kinh tế dẫn đến tình trạng lạm phát.

Ở Việt Nam, nguồn cung, giá cả cũng không nằm ngoài biến động thế giới. Tuy nhiên, còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung do Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, có hiện tượng lợi dụng tình hình trên nên găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.

Những ngày qua, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an.

Theo Bộ trưởng, hiện tượng này đang chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu chúng ta không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ.

Vì vậy, người đứng đầu ngành Công Thương chỉ đạo, không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế.

10 giải pháp cấp bách

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:

Một là, các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Công Thương địa phương, Tổng cục QLTT, Vụ Thị trường trong nước), các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu) tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp chiều ngày 08/02/2022) và tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện 517 ngày 28/1/2022 yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; Niêm yết, bán đúng giá; Công khai nguồn cung). Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu bảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống. “Dứt khoát không để thiếu xăng dầu. Đây là mệnh lệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hai là, Cục Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với QLTT các tỉnh tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Nếu không xử lý nghiêm theo quy định; Lên kế hoạch nhập hàng để bảo đảm không thiếu nguồn; Niêm yết giá bán, công khai nguồn cung, sản lượng dự trữ.

Ba là, Tổng cục QLTT, Cục QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiền hành kiểm tra thường xuyên, đột suất với tần suất dày 1-2ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Chú ý, kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; Phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Vụ TTTN, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Bốn là, Vụ TTTN cùng Thanh tra Bộ tham mưu cho lãnh đạo Bộ thành lập Đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.

Năm là, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên nắm chắc diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, giữ mối liên hệ với cơ quan chức năng về giá (thuộc Bộ Tài chính và các Bộ ngành khác) để tham mưu cho lãnh đạo 2 Bộ và Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong nước tiệm cận với biến động giá xăng dầu thế giới.

Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí (hàng ngày) để làm tốt truyền thông nhằm minh bạch hóa mọi thông tin, tránh khủng hoảng.

Sáu là, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ đạo tăng năng lực sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năng suất cao nhất có thể; PVN tiếp tục đàm phán các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động có hiệu quả của Nghi Sơn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Nghi Sơn nếu vi phạm các điều khoản cam kết và để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bảy là, đề nghị các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công Thương, ngành Công Thương cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục xuất nhập khẩu vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu cũng như xử lý vi phạm về kinh doanh xăng dầu. Đối với Bộ Tài chính, khẩn trương nghiên cứu, xem xét… Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc tham mưu cho Chính phủ điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Tám là, đề nghị Chính phủ cho phép liên Bộ Công Thương, Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.

Chín là, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN tiến hành đàm phán với các bên liên quan trong liên doanh nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn để bảo đảm nguồn cung như đã cam kết. Trường hợp không bảo đảmđược thì phải chịu trách nhiệm, không làm thiệt hại cho các đối tác, không gây xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở sản xuất xăng dầu khác tăng cường năng suất, công suất sản xuất tối đa, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Mười là, đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương làm tốt công tác tuyên truyền. Thông qua báo chí, Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo kịp thời, điều hành nguồn cung để bình ổn thị trường trong nước./.