WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam về 4,8%, khuyến nghị 3 giải pháp chính sách
WB công bố báo cáo “Việt Nam Số hóa – Con đường đến tương lai” chiều 24/8/2021

Tại cuộc họp báo công bố báo cáo “Việt Nam Số hóa – Con đường đến tương lai” do WB tổ chức chiều 24/8, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho hay, sau 17 tháng sống trong đại dịch Covid-19, vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tiêm trên diện rộng đang mang đến hi vọng đại dịch sẽ kết thúc và quá trình phục hồi trên toàn cầu đang diễn ra, tuy chưa đồng đều.

WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam về 4,8%, khuyến nghị 3 giải pháp chính sách
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

Theo đánh giá của WB, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu rất tốt trong vài năm qua và đặc biệt đã đạt kết quả rất vững chắc trong nửa đầu năm 2021. GDP tiến sát các mức tăng trưởng như các năm trước đại dịch trong nửa đầu năm 2021. Khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ có đóng góp lớn cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, bất định về biến thể Delta khiến những dự báo về lộ trình đi đến phục hồi của kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, hoàn toàn chỉ mang tính dự kiến.

Trong khi một số quốc gia trên thế giới được kỳ vọng sẽ hồi phục lại ngay sau đợt suy thoái kinh tế lớn nhất trong 80 năm qua nhờ chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, thì sự lây lan của biến thể mới đang làm dấy lên nghi ngại về khả năng chưa biết bao giờ mới chấm dứt đại dịch.

GDP Việt Nam năm 2021 dự báo chỉ tăng 4,8% và có thể còn thấp hơn

Theo WB, động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam chính là đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối diện với đại dịch bùng phát từ tháng 4/2021. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng lên. WB ghi nhận tác động của đại dịch đến các hộ gia đình đang tăng lên, trong đó các hộ nghèo, nữ giới và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức phải chịu đựng dai dẳng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. “Chúng tôi e ngại tác động này sẽ còn sâu rộng hơn sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Điều này có khả năng làm tăng tỷ lệ nghèo và chắc chắn làm gia tăng sự bất bình đẳng”, bà Dorsati Madani, chuyên gia WB nhận định.

Về kinh tế đối ngoại, WB thấy rằng, vị thế ngoại thương của Việt Nam đang xấu hơn trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt và điều này là do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu nửa đầu năm 2021.

Thực tế, 6 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu tăng rất mạnh. Sau đó, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đã đi ngang. Xuất khẩu giảm đà từ khoảng 21% so với cùng kỳ vào tháng 6 xuống khoảng 12% so cùng kỳ vào tháng 7. Máy tính và hàng điện tử giảm 14% trong tháng 7. “Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đóng cửa, cũng như phải chịu sự hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch”.

Về nhập khẩu, động lực tăng trưởng dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng WB đánh giá, nhập khẩu tăng lên chủ yếu ở các mặt hàng chế biến để xuất khẩu. Nhìn vào cả 2 vế có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một thách thức khác là nền kinh tế chịu áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch Covid-19 năm 2020.

Bà Dorsati Madani nhấn mạnh: “Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng trong nước và động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế đối ngoại, nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch đang diễn ra”.

Chính phủ đã ứng phó bằng cách tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành gói hỗ trợ tài khóa mới vào đầu tháng 7/2021 ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng cũng đã được đẩy nhanh.

WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam về 4,8%, khuyến nghị 3 giải pháp chính sách
Dự báo của WB, công bố chiều 24/8/2021

Xem xét đến thực tế là nền kinh tế trong nước đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, WB ước tính tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam vào khoảng 4,8%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của WB. Chuyên gia WB cho rằng, do còn nhiều bất định về những gì đang diễn ra trên toàn cầu cũng như bất định về triển vọng kiểm soát đợt dịch lần này tại Việt Nam, nên có thể con số tăng trưởng dự báo đó vẫn còn nguy cơ suy giảm.

Về tài khoản vãng lai, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn yên tâm là có thặng dư, nhưng hiện nay WB ước tính thặng dư sẽ giảm xuống chỉ còn 0,5-1% GDP. Nguyên nhân, theo WB, là do xuất khẩu chững lại, cả về xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ. Đơn cử là ngành du lịch lữ hành đã ngừng hoạt động và dường như sẽ tiếp tục ngừng hoạt động trong thời gian tới.

Về tình hình tài khóa, WB cho rằng, bội chi Ngân sách sẽ tăng vì 2 lý do. Một là thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do nhiều doanh nghiệp đóng cửa và Chính phủ đang tính đến việc hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp để họ chống chọi với khủng hoảng. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ đang tính các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Như vậy chi tiêu sẽ tăng lên. WB dự báo, bội chi ngân sách năm 2021 tại Việt Nam sẽ theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, nợ của Việt Nam vẫn bền vững trong thời gian tới, bởi Chính phủ có kỷ cương và trách nhiệm rất cao và “đây là điểm hết sức tích cực với chính sách tài khóa”.

Năm 2022 và 2023, WB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ một lần nữa thể hiện khả năng chống chịu và sự năng động của mình. Khi khủng hoảng được kiểm soát, nền kinh tế sẽ trở lại phục hồi và trở về với xu thế tăng trưởng trước đó ở mức 6,5%, sau đó cân đối tài khoản vãng lai sẽ được củng cố và bội chi ngân sách sẽ giảm dần.

Viễn cảnh và dự báo trên, theo WB, vẫn có rủi ro theo hướng suy giảm khi nền kinh tế phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là thực tế của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

WB đề nghị Việt Nam nên có 3 ưu tiên chính sách

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể triển khai những chính sách để giảm nhẹ những rủi ro phải đối mặt. Cụ thể, WB đề nghị 3 ưu tiên chính sách.

Thứ nhất, Covid-19 có tác động khác nhau đến các nhóm khác nhau, nhất là các hộ có thu nhập thấp, nữ giới, người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, là những người vốn bị ảnh hưởng từ năm đầu tiên xảy ra đại dịch. Họ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với những người ở tầng trên trong phân phối thu nhập. Điều này có thể tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế trong thời gian tới. Vì vậy, điều quan trọng là các cấp có thẩm quyền cần tăng cường phạm vi bao phủ hỗ trợ, xác định mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ cụ thể, để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Rủi ro thứ hai, theo WB là Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ khu vực tài chính và có chính sách điều chỉnh phù hợp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay từ đầu năm 2020 đã nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng bằng nhiều công cụ khác nhau, như cho phép các ngân hàng gia hạn nợ xấu, nợ có vấn đề vì Covid-19. Tuy nhiên, sẽ có những khoản nợ không trả được và khi đó rủi ro sẽ tăng lên. Các trường hợp phá sản, dừng hoạt động sẽ tăng lên. Khi đó, rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang hệ thống ngân hàng, là nơi sẽ phải xử lý vấn đề đó. “Vì vậy các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục xử lý rủi ro liên quan đến nợ xấu, nhất là ở các ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn trước khi đại dịch diễn ra”, WB khuyến nghị.

Cuối cùng, WB chỉ ra rủi ro tài khóa và khuyến nghị cần có giải pháp chủ động ứng phó với hiện trạng sẽ xảy ra. Ở giai đoạn này, Việt Nam chưa phải đối mặt với rủi ro tài khóa lớn, nợ vẫn bền vững trong trung hạn, nhưng rủi ro đó đang lớn dần. WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần theo dõi chặt chẽ rủi ro tài khóa và điều này quan trọng ở chỗ nó liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và các nguy cơ về nợ dự phòng tăng lên./.