Bức tranh sáng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022

Dù gặp nhiều thách thức, song năm 2022 được đánh giá là một năm thành công nhất của TKV từ trước tới nay, thể hiện trên các mặt công tác: Sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu đạt cao nhất kể từ khi thành lập; lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước vượt kế hoạch giao; cung cấp đủ và kịp thời than cho sản xuất điện và phân bón, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong khi giá than thế giới đang ở mức rất cao; sản lượng than sạch sản xuất tăng thêm 3,3 triệu tấn so với kế hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vượt “bão” về đích tăng trưởng cao
Năm 2022, TKV đạt tổng doanh thu 165,9 nghìn tỷ đồng, là mức cao nhất từ khi thành lập đến nay

Theo số liệu báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của TKV, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 165,9 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 7 tỷ USD), là mức cao nhất từ khi thành lập đến nay, tăng 28% so với năm 2021; lợi nhuận vượt 5 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước đạt 21,35 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch giao. Các khối sản xuất, kinh doanh đều đạt hiệu quả và tăng trưởng cao hơn so với thực hiện năm 2021. Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người lao động tốt hơn nhiều so với các năm trước.

Năm 2022, Tập đoàn đã quyết liệt chỉ đạo các công ty con, đơn vị trực thuộc huy động tối đa năng lực để tăng sản lượng than khai thác, sản lượng Alumin, đồng tấm… Đặc biệt, trong bối cảnh giá than thế giới tăng cao, nguồn cung nhập khẩu hạn chế, TKV vẫn đảm bảo cung cấp than kịp thời, đúng tiến độ cho các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết, góp phần bình ổn giá cả, kìm chế lạm phát. Tập đoàn chỉ đạo tiết giảm tối đa chi phí pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước, để giảm giá bán than pha trộn cho các hộ điện. Lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước tăng cao mặc dù chịu tác động lớn bởi ảnh hưởng giá cả trên thị trường thế giới (giá dầu, giá sắt thép, giá một số vật tư chính phục vụ cho sản xuất tăng cao); tiền lương và thu nhập người lao động tăng trên 21% so với kế hoạch, công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho thợ mỏ tiếp tục được cải thiện.

Phát huy trách nhiệm chính trị trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TKV đã cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ theo hợp đồng kinh tế đã ký kết trong điều kiện sản xuất khó khăn, không tăng được sản lượng than khai thác do bị giới hạn. Trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu tăng cao, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã kiểm soát chặt chẽ chi phí, xây dựng các giải pháp kinh tế kỹ thuật hợp lý, nhờ đó, đã tiết kiệm chi phí gần 1 nghìn tỷ đồng, giảm thiểu tác động của tăng giá đầu vào.

Trên phương diện vĩ mô, TKV thực hiện tốt vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần kiềm chế lạm phát thông qua việc giữ ổn định giá bán than sản xuất trong nước cho sản xuất điện từ tháng 3/2019, giảm giá bán than pha trộn từ quý IV/2022, theo đó, đã giảm chi phí nhiên liệu cho các nhà máy điện khoảng 13 nghìn tỷ đồng so với việc phải dùng toàn bộ than pha trộn nhập khẩu.

Đáng chú ý, Tập đoàn vẫn đảm bảo bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, các hệ số tài chính được cải thiện và nâng cao, an toàn tài chính (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu 1,58 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 17,2%). Tập đoàn đã từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, chuẩn hóa quy trình làm việc, từng bước chuyển đổi số, tiếp cận mô hình kinh tế số.

Mục tiêu kế hoạch năm 2023 và các giải pháp thực hiện

Trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, năm 2023, các khó khăn, thách thức từ năm 2022 vẫn còn hiện hữu và có thể còn tác động sâu rộng hơn tới kinh tế trong nước và thế giới, toàn Tập đoàn thống nhất quán triệt tinh thần “khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba”; quyết tâm đổi mới sáng tạo không ngừng để thích ứng an toàn, linh hoạt, ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, hoàn thành vượt mức năm 2022. Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh cơ bản năm 2023 đặt ra bao gồm: Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 168,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2022, nộp ngân sách 20,3 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận toàn Tập đoàn 5 nghìn tỷ đồng; chỉ tiêu sản lượng sản xuất, kinh doanh than: Phấn đấu đạt sản lượng than tiêu thụ 46,5 triệu tấn, trong đó, trong nước: 45,12 triệu tấn, than xuất khẩu: 1,38 triệu tấn; sản lượng phát điện: 9,6 tỷ kWh…

Để tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ các tháng, quý đầu năm, Ban lãnh đạo TKV đưa ra loạt giải pháp chủ yếu chỉ đạo và điều hành năm 2023. Theo đó, tập trung điều hành ổn định sản xuất các sản phẩm theo các hợp đồng đã ký. Khai thác và phát huy công suất của các nhà máy khoáng sản, hóa chất; tận dụng cơ hội thị trường tốt và giá cả đang ở mức cao, tăng khả năng phát huy nội lực. Xây dựng phương án pha trộn than theo hướng tăng tối đa than nhập khẩu để giảm áp lực than sản xuất trong nước.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa. Thực hiện chiến lược “3 hóa” trong các dây chuyền sản xuất, gồm: Cơ giới hóa – Tự động hóa – Tin học hóa” là “xương sống” giúp các đơn vị thành viên của TKV phát triển bền vững. Xây dựng mô hình “Mỏ hiện đại – mỏ xanh, sạch, đẹp – Mỏ an toàn – Mỏ ít người” để bứt phá trong sản xuất. Đẩy mạnh các dự án đầu tư thiết bị tăng năng lực sản xuất tại các mỏ than. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, nâng công suất mỏ, hướng đến phát triển bền vững; phấn đấu đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ để cung cấp than cho nền kinh tế.

Tập trung nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn. Khuyến khích các công ty chủ động tìm kiếm và đề xuất với TKV với các đối tác trong và ngoài nước trong việc áp dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiệu quả. Nghiên cứu đổi mới công tác quản lý tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hóa các thị trường và khách hàng tiêu thụ. Các đơn vị phối hợp ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau, để giúp nhau cùng phát triển, mở rộng thị trường, đạt hiệu quả chung cao nhất theo cơ chế thị trường và không làm tổn hại đến lợi ích của các bên tham gia.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác pháp chế doanh nghiệp, quản trị rủi ro, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền pháp luật và các quy định trong công tác quản lý. Định hướng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển Tập đoàn bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, giảm phát thải carbon…/.